26/04/2013 8:46 PM
Stoxplus dự báo, cùng với xu hướng mua bán và sáp nhập đang diễn ra rầm rộ thời gian qua, số lượng các ngân hàng thương mại sẽ được giảm từ 39 hiện nay về 13-15 vào năm 2017.

Sẽ chỉ còn 13-15 ngân hàng

Báo cáo triển vọng M&A Việt Nam 2013 của Stoxplus nhận xét, khác với các năm trước đây, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng chủ yếu là các thương vụ đầu tư cổ phần thiểu số bởi các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Năm 2012 có lẽ là năm sôi động nhất về M&A trong ngành ngân hàng Việt Nam khi có tới hai thương vụ thâu tóm thù địch liên quan đến Sacombank (Eximbank và bầu Kiên) và Ngân hàng Phương Nam (gia đình ông Trầm Bê), hai thương vụ đầu tư chiến lược trong nước (DOJI vào Tiên Phong Bank và Viettel vào MB Bank), một thương vụ thâu tóm của Tập đoàn Thiên Thanh mua lại TrustBank và một thương vụ từ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử M&A Việt Nam (BTMU vào Vietinbank).

Sacombank là cái tên nổi nhất trong năm 2012 gắn với hoạt động M&A

Đầu năm 2013, sau một thời gian dài kín tiếng, mặc dù giao dịch đã được thực hiện một phần, PVFC cũng đã chính thức công bố sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây.

Đầu tháng 3/2013, Chính phủ cũng đã đồng ý cho Ngân hàng Thương mại Sài gòn (SCB) được phép bán cổ phần cho cổ đông cá nhân nước ngoài.

Diễn biến sôi động của ngành ngân hàng xuất phát từ thực tế là có tới 9 trên tổng số 39 ngân hàng thương mại nằm trong diện kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước do tỷ lệ nợ xấu quá lớn, có vấn đề về thanh khoản và cần phải được sáp nhập hoặc mua lại.

Hiện nay đã có 6 ngân hàng trong nhóm này thực hiện tái cấu trúc thành công bao gồm: 3 ngân hàng đã hợp nhất là Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn; Habubank - đã sáp nhập vào SHB; TienPhongBank đã tự tái cơ cấu và ngân hàng Phương Tây sáp nhập vào PVFC. Tiến trình này nằm trong kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng với mục tiêu đến năm 2017 sẽ giảm số lượng ngân hàng thương mại về con số 13-15.

Stoxplus nhận định, M&A trong ngành ngân hàng dự báo sẽ vẫn sôi động trong các năm tiếp theo do nằm trong lộ trình tái cấu trúc ngành Ngân hàng Việt Nam. Số lượng các ngân hàng thương mại sẽ được giảm từ 39 hiện nay về 13-15 vào năm 2017.

Chính phủ cũng đã có tiền lệ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chi phối ngân hàng cổ phần và chắc chắn các ngân hàng nhỏ nhưng có năng lực nhất định về dịch vụ phi tín dụng truyền thông bao gồm tín dụng tiêu dùng, thẻ, thanh toán sẽ là tầm ngắm của nhiều định chế tài chính nước ngoài lớn từ Nhật, Úc và Canada – vốn chưa có sự hiện diện tại Việt Nam.

Triển vọng rõ ràng

Stoxplus tiết lộ, trong tổng số 39 ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đã có 15 đơn vị đã có đối tác chiến lược cùng ngành. Hơn nữa, hiện vẫn còn 3 ngân hàng nằm trong diện cần được tiếp tục tính tới phương án sáp nhập hoặc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài cùng ngành.Do đó, Stoxplus cho rằng, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong năm 2013 và các năm tiếp theo.

Hơn nữa, để đối tác nước ngoài có thể kiểm soát một ngân hàng trong nước, Chính phủ đã có chủ trương nâng hạn mức sở hữu nước ngoài trên 30% và thực tế đã có tiền lệ cho trường hợp của SCB. Do đó, các trường hợp khác cũng sẽ được thực hiện. Xét ở góc độ nhu cầu của các tập đoàn tài chính nước ngoài, nhu cầu để mua lại một ngân hàng ở Việt Nam là rõ ràng ví dụ như trường hợp của một số định chế tài chính lớn của Nhật, Úc, Canada, v.v.

Các định chế này đều có định hướng chiến lược không chỉ khai thác hoạt động tín dụng doanh nghiệp mà còn nhắm đến tín dụng cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, v.v. vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam. Các ngân hàng có năng lực nhất định về phi tín dụng truyền thống bao gồm tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, thanh toán chắc chắn sẽ là tầm ngắm của các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Năm 2012, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam suy giảm đáng kể so với năm 2011. Tổng quy mô thị trường đạt 4,9 tỷ USD với 157 thương vụ trong năm 2012 (năm 2011 là 267 thương vụ, tổng trị giá 6,3 tỷ USD).

Hữu Tuấn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.