Khoảng 2 tháng gần đây, trái phiếu Chính phủ trở thành khẩu vị ưa thích của các ngân hàng. Nhưng có ý kiến rằng, làm thế nào để giải ngân nhanh nguồn vốn trái phiếu - thay vì phát hành xong lại gửi ngược vào ngân hàng - mới là điều quan trọng.
Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, nếu như 2009, phát hành trái phiếu Chính phủ chỉ được khoảng 15 nghìn tỷ đồng so với 18 nghìn tỷ đồng của trái phiếu doanh nghiệp thì năm 2010, đặc biệt là vài tháng gần đây, trái phiếu Chính phủ đang rất được mùa.
Vì sao ưa chuộng?
Qua thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 4 và tháng 5/2010, sàn này đã đấu thầu thành công khoảng 9.400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Sàn HNX cho biết thêm, tổng khối lượng đăng ký đấu thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 5/2010 tới nay khoảng 31 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), đơn vị chuyên phát hành trái phiếu Chính phủ cho biết thêm, trong 5 tháng qua, VDB đã phát hành và thu về trên 35 nghìn tỷ đồng. Đây là lượng phát hành lớn nhất và thành công nhất từ trước tới nay. Dự kiến từ nay đến hết năm, VDB sẽ phát hành khoảng 20 - 25 nghìn tỷ đồng để đảm bảo chỉ tiêu giải ngân cho năm nay và gối đầu năm sau.
Một điều đáng quan tâm đến các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ vừa qua là có tới hơn 90% nhà thầu mua trái phiếu Chính phủ là các ngân hàng thương mại. Vì sao ngân hàng thương mại thích trái phiếu Chính phủ đến vậy?
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết, ngoài con số phát hành của VDB trong 5 tháng đầu năm là 35 nghìn tỷ đồng và từ nay đến hết năm sẽ phát hành thêm vài chục nghìn tỷ đồng, thì Kho bạc Nhà nước cũng đã phát hành được 30 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch phát hành so với mức 56 nghìn tỷ vốn cần huy động để đầu tư thêm trong năm nay.
Hầu hết, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ thời gian vừa qua là do các ngân hàng thương mại. Một vấn đề có liên quan đến tình trạng này là thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm dần.
Điều này phản ánh tính thanh khoản ngắn hạn của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là thanh khoản đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng đang rất tốt và khẩu vị của ngân hàng hiện nay đang đi theo xu hướng này.
Sở dĩ điều này có được là do Ngân hàng Nhà nước bơm vốn mạnh trên thị trường mở và cùng đó là hoạt động của các ngân hàng thương mại theo điều hành lãi suất của Chính phủ “vào 10, ra 12”. Và như vậy, thực tế này rất thuận lợi cho thị trường trái phiếu, vì mua trái phiếu tại thời điểm sẽ rất có lợi trong dài hạn.
Ngoài ra, kinh tế vĩ mô vấn đang duy trì được đà tăng trưởng tốt, lạm phát có bùng phát lên 1, 2 tháng đầu năm nhưng đến tháng 6 thì lạm phát đã giảm tốc và các yếu tố này đã tạo ra tâm lý ổn định để làm tiền đề cho hành vi đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
Bài toán giải ngân
Xung quanh câu chuyện ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ, nổi lên hai vấn đề mà đầu tiên là giải ngân trái phiếu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã có tình trạng do giải ngân vốn trái phiếu chậm trễ, tiền huy động được về, Chính phủ phải đem vào cất trong Kho bạc và Kho bạc lại gửi ngược vào trong hệ thông ngân hàng thương mại.
Ông, Nguyễn Trọng Tuấn, Tổng giảm đốc Công ty Chứng khoán quốc tế Hoàng gia (IRS) cho rằng, chức năng của thị trường tài chính nói chung là huy động vốn và phân bổ nguồn vốn hiệu quả trong nền kinh tế. Muốn tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì đầu tiên phải nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.
Vì đó là hệ thống mạch máu, dẫn vốn từ nơi có nguồn vốn nhàn rỗi đến nơi có nhu cầu sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Và nếu quy luật này hoạt động một cách hiệu quả sẽ giúp cho nền kinh tế tái cấu trúc và phát triển lành mạnh. Ngược lại, sẽ làm cho nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả và thiếu có khả năng tái cấu trúc.
Ở đây, Chính phủ có thể bán trái phiếu cho nhiều định chế tài chính khác nhau nhưng với ngân hàng, họ luôn coi trái phiếu Chính phủ là công cụ đầu tư nhưng cùng đó, còn là công cụ quản lý thanh khoản của ngân hàng. Bởi đối với ngân hàng, họ không thể coi “đồng mua mắm, đồng mua muối”.
Họ huy động từ nhiều nguồn khác nhau và trong từng thời điểm, họ luôn tính toán phải cơ cấu tài sản có của mình như thế nào cho an toàn và hiệu quả nhất.
Vì thế, việc ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp là hết sức bình thường và điều quan trọng là Chính phủ phải sử dụng nguồn lực đó như thế nào.
Một thực tế hiện nay, trong rất nhiều đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thành công, do chậm trễ giải ngân, tiền trái phiếu đi vào kho bạc, sau đó lại gửi ngược vào các ngân hàng thương mại, thay vì đi vào công trình công cộng, dân sinh và hạ tầng cơ sở cho cộng đồng.
Ông Quỳnh nói: “Nếu Chính phủ huy động được vốn thông qua trái phiếu, không có chương trình, kế hoạch giải ngân nguồn vốn, tiền thu được từ trái phiếu đưa về Kho bạc, sau đó, Kho bạc lại gửi về ngân hàng thương mại. Cuối cùng, Chính phủ vẫn phải trả lãi và không sử dụng được chi phí cơ hội khi đã phát hành trái phiếu”.
Thứ hai, tổng giám đốc một ngân hàng cũng cho rằng, ngân hàng thương mại có nhiều kênh huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế và cũng có nhiều kênh đầu tư khác nhau và họ phải chuyển hóa linh hoạt nhiều kênh đầu tư trong từng giai đoạn, cơ cấu bao nhiêu để giữ mức độ sinh lời ở mức cao nhất và để đảm bảo an toàn hoạt động.
Việc ngân hàng phát sinh một khoản tiền đầu tư trái phiếu Chính phủ là hết sức bình thường nhưng với điều kiện là trong một phạm vi và mức độ cho phép.
Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư vào trái phiếu, nhất là trái phiếu có kỳ hạn dài, trong khi thị trường trái phiếu chưa có đủ độ thanh khoản cần thiết thì rất có thể đem lại những rủi ro cho hệ thống.
Cafeland.vn
theo VnEconomy