Trong khi các ngân hàng nhỏ khao khát mà không được hạn mức tăng trưởng tín dụng như ý thì các ông lớn thuộc nhóm một lại dè dặt lo không xài hết chỉ tiêu được giao.

Nằm trong nhóm được tăng trưởng tín dụng tới 17%, nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chỉ xây dựng kế hoạch 10% cho cả năm nay. Bài học nợ xấu ngoài lĩnh vực chủ chốt của nhiều năm về trước khiến nhà băng này mạnh tay cắt giảm cho vay bất động sản và tiêu dùng, và tập trung nhiều hơn cho nông nghiệp nông thôn, với mức tăng trưởng dự kiến 15-18%, chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng dư nợ.


Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo khá tự tin về nguồn vốn huy động huy động, song thừa nhận trong bối cảnh thị trường hiện nay không thể tăng tín dụng cao hơn nữa.


"Đưa ra tốc độ tăng trưởng 10%, chúng tôi đã cân đối với khả năng huy động vốn, nguồn lực và các chỉ tiêu an toàn của mình. Phần room còn lại nếu không dùng hết chúng tôi sẽ tuân theo điều hành chung của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước", ông Bảo chia sẻ với VnExpress.net.

Ngân hàng lo 'ế' chỉ tiêu tín dụng
Ngân hàng lớn lo dùng không hết, nhà băng nhỏ thì lo thiếu chỉ tiêu. Ảnh: Hoàng Hà

3 ông lớn có nguồn gốc quốc doanh khác là Ngân hàng Công Thương (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đều đặt mục tiêu tận dụng tối đa chỉ tiêu 17% mà Ngân hàng Nhà nước vừa giao. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng này tâm sự trong bối cảnh thị trường hiện nay chưa thể nói trước sẽ thực hiện hết chỉ tiêu được giao hay không.


"Nếu kinh tế tăng trưởng tốt, thị trường thuận lợi thì phải dùng hết 17% thậm chí có thể đề nghị tăng thêm. Nhưng nếu ngược lại, ngân hàng cần cân nhắc thận trọng", đại diện Vietcombank nói.


Đại diện BIDV nhận định chỉ tiêu 17% mà Ngân hàng Nhà nước vừa giao rất phù hợp để ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách thận trọng. Theo ông, bình quân tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mọi năm đều ở mức trên 30%, nay room tối đa chỉ 17% nên tâm lý ngân hàng nào cũng muốn tận dụng bằng hết, chỉ trong trường hợp khó khăn quá về thanh khoản mới không dùng hết chỉ tiêu đã phân. Hơn nữa, kinh tế dần phục hồi, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng cao bởi đây vẫn là nguồn thu chính, nếu không được đảm bảo bằng mức tăng trưởng tối đa, các ngân hàng rất khó khăn trong việc phục vụ khách hàng.


"Tuy nhiên, đúng là chưa thể nói trước được điều gì, bởi khả năng thực hiện còn phụ thuộc vào thực tế thị trường", ông nói.


Trong khi các ông lớn lo làm sao xài cho hết chỉ tiêu vừa được giao thì các ngân hàng nhỏ lại ngậm ngùi với miếng bánh ít ỏi dành cho mình. Đại diện HDBank- ngân hàng đang chịu án phạt vì lách trần lãi suất trong năm 2011 cho biết vì chưa nhận được thông báo từ Ngân hàng Nhà nước nên chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng 10% trong năm 2012. Ngay cả với định mức khiêm tốn đó, HDBank cũng lo không dễ thực hiện, bởi tình hình kinh tế năm nay dự báo còn nhiều khó khăn.


Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần thuộc nhóm tăng trưởng 8% tâm sự sẽ phải tính toán thật khéo để dùng chỉ tiêu ít ỏi này một cách hiệu quả. Dự kiến ngân hàng sẽ chỉ tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu, nhỏ và vừa. Số còn lại sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực có khả năng sinh lời tốt.


Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cho rằng phân loại ngân hàng là một biện pháp mới và cần thiết giúp kiểm soát chất lượng tín dụng tốt hơn, song nếu áp dụng cứng nhắc sẽ khó lòng giải quyết ổn thỏa bài toán tăng trưởng tín dụng để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.


"Cần có thời gian kiểm nghiệm biện pháp này, sau đó đánh giá lại và điều chỉnh thích hợp", ông Hưởng đề xuất.


Các ngân hàng hiện được chia thành 4 nhóm với 4 mức tăng trưởng tín dụng từ cao tới thấp, 17 - 15 - 8% và không tăng trưởng. Rơi vào nhóm một (tăng trưởng 17%) chủ yếu là các ngân hàng đại gia, quy mô thị trường lớn. Trong khi nhóm 3-4 là những ngân hàng có vấn đề về chất lượng tín dụng cũng như thanh khoản, cho dù nhu cầu tăng trưởng rất cao.


Theo phân tích của ông Hưởng, với mức 17% trên toàn hệ thống, về lý thuyết sẽ phải có nơi tăng cao hơn bình quân chung và có nơi thấp hơn, như vậy mới đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


"Cả 4 ngân hàng quốc doanh có quy mô tín dụng rất lớn, nếu họ tăng 17% sẽ đòi hỏi một lượng vốn khổng lồ, vượt quá khả năng huy động của họ. Trong khi 17% với những ngân hàng mới thành lập, quy mô nhỏ lại không thấm vào đâu. Nếu không linh hoạt điều chỉnh lại, tăng trưởng của toàn hệ thống năm nay chỉ dừng ở 10-12%. Và vô hình chung sẽ xảy ra tình trạng người cần thì không nhận đủ mà người không cần lại thừa, trong khi doanh nghiệp đói vốn phải đứng ngoài nhìn vào", ông Hưởng ví von.


Lo lắng hơn cả, theo ông Hưởng, có thể xảy ra tình trạng dòng vốn chạy lòng vòng qua các ngân hàng khác nhau trước khi tới tay doanh nghiệp. Bằng các nghiệp vụ bảo lãnh, gửi tiền lẫn nhau..., ngân hàng thiếu có thể bắt tay với ngân hàng thừa để dùng hết số chỉ tiêu được giao.


"Có đủ cách để hợp lý hóa việc chia sẻ room đó, nhưng sẽ khiến dòng vốn chạy vòng quanh, khó kiểm soát và rất nhiều rủi ro", ông Hưởng khuyến cáo.


Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại: Cần khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng nhưng không nên giao chỉ tiêu theo tỷ lệ phần trăm như hiện nay, mà chủ yếu giám sát thông qua các công cụ thị trường như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, an toàn vốn.


Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Phân loại ngân hàng theo chất lượng tín dụng và giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng nhóm là một giải pháp méo mó nếu nhìn dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ giúp tạo sức ép để tái cơ cấu ngân hàng. Những ngân hàng yếu kém được đưa vào diện không tăng trưởng sẽ góp phần hạn chế cuộc đua tăng lãi suất để tranh giành vốn như trước.


Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh