06/09/2016 10:27 AM
Tiền ứ đọng, các ngân hàng không cho vay được nên đổ dồn vào trái phiếu chính phủ.

Doanh nghiệp đói vốn trong khi tiền đang dồn ứ ở ngân hàng

Ôm tiền... bạc đầu

Tổng giám đốc một ngân hàng (NH) thương mại cổ phần quy mô nhỏ than thở, từ đầu năm đến nay NH ông hầu như không cho vay được đồng nào. “Ôm tiền trong tay mà tôi bạc đầu, không thể ngủ ngon được”, ông ngán ngẩm cho biết. Cũng theo ông này, trong khi chạy vạy tìm doanh nghiệp (DN) có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án đầu tư tốt để cho vay còn chưa xong thì NH ra “thiết quân luật” là phải có tài sản thế chấp mới đủ điều kiện vay. “Nhưng những DN tốt thì họ đòi hỏi mức lãi suất thấp và lựa chọn những NH quy mô lớn, hoạt động bền vững để vay, đâu đến lượt chúng tôi”, ông nói. Do khó tìm được khách hàng vừa lớn vừa tốt nên nhiều NH đẩy mạnh đi vào phân khúc cho vay cá nhân, DN vừa và nhỏ. “DN vừa và nhỏ nhưng hoạt động tốt thì cũng không chọn vay ở NH nhỏ. Chúng tôi đau đầu lắm”, ông cho biết.

Đây không phải NH duy nhất không tăng trưởng được dư nợ tín dụng. NH Eximbank thậm chí dư nợ cho vay bị âm so với đầu năm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Eximbank bị âm đến 4,62% so với đầu năm. Các NH khác tăng trưởng dư nợ tín dụng trồi sụt khác nhau. Tính đến tháng 6, trong khi các NH như ACB tăng 15,49%, MBB tăng 16,63%, Techcombank tăng gần 14% so với đầu năm thì SHB chỉ tăng xấp xỉ 6,51%, Sacombank chỉ tăng 7,27%, và nhóm ba NH quy mô hàng đầu BIDV, Vietcombank và VietinBank tăng bình quân 10,08%.

Trưởng phòng khối khách hàng cá nhân của một NH khác cho biết, NH ông làm việc hầu như không cho vay vào các dự án, mà chủ yếu cho vay người có nhu cầu tiêu dùng thật sự như mua nhà để ở, không cho vay đầu cơ vào các dự án bất động sản. “Chúng tôi tránh xa bất động sản, không một khoản cho vay nào của chúng tôi dính líu đến đầu cơ nhà đất cả”, ông nói. Đi vào phân khúc cho vay cá nhân, DN vừa và nhỏ, nên tăng trưởng dư nợ tín dụng của NH này đã lên đến 15%. Năm nay, chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng khoảng 18 - 20%, nên dự kiến sắp tới, những NH cho vay tốt có thể sẽ xin nới room tín dụng. “Cho vay một dự án lớn thì giải ngân ngay lập tức cả trăm tỉ đồng nhưng nguy cơ nợ xấu cũng chực chờ. Đến nay thì các NH đã “thấm đòn” nợ xấu rồi, ít NH nào dám mạnh tay cho vay dự án lớn như trước đây”, tổng giám đốc một NH phân tích.

Tiền ứ ở ngân hàng

Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 8, vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, nhưng tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so cùng kỳ năm trước 9,2% và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý 3 năm nay. Điều này cho thấy NH đang dư thừa tiền và không cho vay được. Vài năm qua, mức lãi suất tiền đồng trên thị trường liên NH tụt xuống dưới 2% đã được coi là thấp. Nhưng trong nhiều tuần qua, mức lãi suất này vẫn liên tiếp giảm dần, đến nay giảm mạnh về mức thấp kỷ lục trong lịch sử nhiều năm trên thị trường tiền tệ sơ cấp: dưới 0,5%/năm. Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định điều này cho thấy các NH tiếp tục dư thừa thanh khoản trong hệ thống.

Biết các NH thương mại thừa tiền, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán tín phiếu để tranh thủ hút bớt lượng vốn dư thừa. Trong tuần 22 - 26.8 vừa qua, thông qua kênh tín phiếu, NHNN đã hút ròng 26.000 tỉ đồng từ thị trường. Vì tiền dồi dào trong hệ thống, nên NHNN cũng hạ lãi suất tín phiếu xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử, gần bằng với lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm. Riêng kỳ hạn 14 ngày, kể từ khi phát hành thời điểm đầu tháng 6 có mức lãi suất 2,75%/năm, thì đến tuần vừa qua chỉ còn 0,7%/năm phiên đầu tuần và ngay sau đó tiếp tục giảm chỉ còn 0,59%/năm.

Vì dư thừa tiền, từ đầu năm các NH đã ồ ạt đổ tiền vào trái phiếu chính phủ. Bởi vậy, chỉ mới 5 tháng đầu năm, huy động trái phiếu chính phủ đã đạt 90% kế hoạch năm. Ngay sau đó, Kho bạc Nhà nước tăng kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ thêm 30.000 tỉ đồng, từ 220.000 tỉ đồng lên 250.000 tỉ đồng, tiền từ NH cũng liên tục đổ vào. Đến khoảng giữa tháng 8 thì huy động trái phiếu cũng đã đạt 90% kế hoạch phát hành mới. Thêm vào đó, NHNN đã mua vào khoảng 8 tỉ USD trong 3 tháng qua để cải thiện dự trữ ngoại hối, nghĩa là có hơn 160.000 tỉ đồng được bơm ra thị trường, giúp thanh khoản các NH càng trở nên dồi dào hơn.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, con số cho thấy hệ thống NH đang dư thừa thanh khoản. Tuy nhiên, thực tế hệ thống NH chỉ đang dư thừa tiền tạm thời chứ chưa phải là dài hạn, bởi tín phiếu là dạng giấy tờ ngắn hạn (14 ngày), lúc nào cần NH cũng có thể đưa lên thị trường mở (OMO) để lấy tiền về nhanh. Ông đặt câu hỏi, tại sao trong khi lãi suất liên NH có lúc ở mức 1,2 - 1,28% nhưng các NH vẫn hạn chế tối đa giao dịch mà chấp nhận lãi suất thấp kỷ lục như tín phiếu? “Các NH thà mua tín phiếu lãi suất thấp mà đảm bảo hơn là cho vay trên thị trường liên NH nhiều rủi ro. Hay nói cách khác, báo cáo tài chính của các NH cho thấy, dư nợ liên NH giảm xuống mạnh, cho thấy các NH giảm niềm tin ở nhau”, ông phân tích.

Đáng lo ngại hơn là nhiều DN đang sẵn sàng vay với mức lãi suất 9 - 10%/năm thì các NH không dám cho vay. Tính trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp chỉ 4,98%, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên chỉ 2,3%, xuất khẩu 5,53%, DN nhỏ và vừa chỉ 2,62%... Những con số này cho thấy các NH chưa xông xáo đổ vốn vào nền kinh tế.

Hồng Sương (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.