Nhiều ngân hàng vừa công bố mức lợi nhuận năm 2017 tăng cao so với năm trước.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) ngày 9-1 vừa qua, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hệ thống NH tính toán giảm lãi suất cho vay, giảm đồng loạt chứ không chỉ ở một số NH. “Giảm lãi suất cho vay là vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia” - Thủ tướng nói.

Chỉ một ngày sau đề nghị của Thủ tướng, hàng loạt NH lập tức giảm lãi suất cho vay.

Nhiều ông lớn vào cuộc

NH NN&PTNT (Agribank) đã trở thành NH đầu tiên quyết định áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay. Theo đó, kể từ ngày 10-1, NH này thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ mức 6,5%/năm xuống còn tối đa 6,0%/năm. Đồng thời giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên, có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Tương tự, NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng quyết định từ ngày 15-1 đồng loạt giảm lãi suất cho vay ít nhất là 0,5%/năm so với trước. Đối tượng được giảm lãi suất là các doanh nghiệp (DN) thuộc năm lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, DN khởi nghiệp. Đáng chú ý, Vietcombank áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay cho cả dư nợ cũ chứ không chỉ cho những khoản vay mới.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết thêm: “Đó là mức lãi suất cho vay tối đa áp dụng chung. Tất nhiên hiện có nhiều DN có chất lượng hoạt động tốt, dự án hiệu quả, uy tín cao…, chúng tôi đã cho vay thấp hơn nhiều so với mức lãi suất trên rồi, chỉ khoảng 4%-4,5%/năm”.

Các ngân hàng giảm lãi suất giúp tiết giảm chi phí lãi vay cho cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: TL

Không đứng ngoài cuộc, NH Công thương (VietinBank) vừa phát đi thông điệp từ nay đến hết 30-11 sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm dành cho khách hàng là DN nhỏ. Ví dụ lãi suất cho vay từ 5%/năm sẽ được áp dụng đối với khoản vay có thời hạn tối đa một tháng.

Chiều muộn ngày 11-1, NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã trở thành NH đầu tiên ở khối NH cổ phần thông báo sẽ giảm lãi suất cho các DN vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được ưu tiên. Chẳng hạn với các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường sẽ giảm 0,5%-1%.

Doanh nghiệp vui

Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lợi nhuận trước thuế của hệ thống NH có thể tăng hơn 40% và lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44% so với năm 2016.

Đơn cử, NH Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2017. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của NH đạt 8.800 tỉ đồng và đây là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Tương tự Vietcombank cũng công bố mức lợi nhuận năm 2017 đạt 10.000 tỉ đồng, tăng 20% so với năm trước đó.

Lợi nhuận lớn là một trong những yếu tố giúp các NH giảm lãi suất, qua đó tiết giảm chi phí lãi vay cho cộng đồng DN. Chị Hà Phương, Giám đốc DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Hải Phòng, chia sẻ với khoản vay trị giá 10 tỉ đồng lãi suất 9%/năm, tức mỗi năm chị phải trả tiền lãi hết 900 triệu đồng. Nay lãi suất giảm 0,5% giúp công ty của chị tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng/năm.

Giảm được 1 tỉ USD

Theo tính toán của một số chuyên gia, hiện nay tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế khoảng hơn 5 triệu tỉ đồng. Như vậy, nếu toàn hệ thống NH giảm 0,5%/năm thì riêng đợt giảm lãi suất lần này đã tiết giảm cho nền kinh tế khoảng 25.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỉ USD.

“Với DN thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy. Trong thời điểm tình hình kinh doanh phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt, nguồn vốn sản xuất kinh doanh vẫn cần dựa vào NH thì việc giảm được chi phí lãi vay là tín hiệu đáng mừng. Qua đó giúp cộng đồng DN có thêm cơ hội mở rộng thị trường” - chị Phương nói.

Muốn giảm nhiều không dễ

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất sâu và trên diện rộng là không dễ. TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính NH, cho rằng lợi nhuận của nhiều NH khá cao không hẳn là nhờ tăng trưởng tín dụng hay nhờ tiết kiệm chi phí…, mà chủ yếu là đến từ kế hoạch xử lý nợ xấu. Khi xử lý nợ xấu tốt thì quỹ trích lập dự phòng rủi ro sẽ chảy vào lợi nhuận của NH. “Cân đong đo đếm các yếu tố kể trên thì thấy cánh cửa hạ lãi suất cho vay trên diện rộng vô cùng hẹp” - ông Tín dự báo.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, phân tích bức tranh lợi nhuận sáng sủa không có nghĩa các NH có nhiều dư địa để giảm lãi suất trong năm nay. Thêm vào đó các quy định của NH Nhà nước đang áp dụng theo xu hướng thắt chặt tín dụng, như tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn áp dụng ở mức 45% và hệ số rủi ro các khoản vay bất động sản là 200% cũng là những nút thắt cho hoạt động tín dụng của các NH.

Ngay đại diện một số NH thương mại nhà nước có thị phần lớn cũng cho hay đang gặp khó khăn vì không được cấp thêm vốn để tăng vốn điều lệ, dẫn tới rất hạn chế trong tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ một phần chi phí để góp phần giảm lãi suất cho vay.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, nói nếu không tăng được vốn thì trong quý I-2018 này tỉ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ ở dưới mức tối thiểu theo quy định của NH Nhà nước và thông lệ quốc tế. Đây là vấn đề vô cùng cấp bách.

Giảm chưa như kỳ vọng

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong năm 2017 mặc dù thanh khoản hệ thống NH khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do những yếu tố như thị trường tiền gửi và thị trường liên NH kém liên thông. Lãi suất liên NH duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các tổ chức tín dụng lớn.

Một số tổ chức tín dụng nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên NH, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi. Ngoài ra, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất.

Thùy Linh (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.