Sau hơn 1 tuần thăm dò và chuẩn bị, các ngân hàng đã lần lượt tung ra các gói cho vay ưu đãi dành cho DN. Trong đó, khối bất động sản dường như nhận được sự ưu ái hơn cả.

Ngân hàng BDIV vừa mới cho biết, họ đã lên một kế hoạch tổng thể tăng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng. Các nguồn vốn mới sẽ tập trung cho vay xây dựng và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê, kể cả khi các khoản vay này khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công; xây dựng, sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê, xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị.


Bên cạnh đó, sẽ cho vay đối với người lao động của Công ty Nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu khi cổ phần hóa. Cho vay mua phương tiện đi lại, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình..


Cụ thể, BIDV sẽ dành một khoản tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng dành cho vay mua nhà. Thời hạn bắt đầu từ 1/5/2012với lãi suất hấp 16%/năm, thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà. Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn mua nhà, BIDV sẽ kết hợp chủ các dự án để có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các khách hàng mua nhà.


Ngân hàng dồn vốn ngàn tỷ dồn cho BĐS

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) thông báo dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu và các khách hàng cá nhân vay mua, xây sửa chữa nhà.


Theo đó, từ ngày 16/4/2012, ngân hàng dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với lãi suất cho vay VNĐ giảm 2%/năm so với lãi suất hiện hành. Phần 1.000 tỷ đồng còn lại của chương trình sẽ dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, xây sửa chữa nhà ở lãi suất giảm 3%/năm (tương ứng lãi suất 17,10%/năm) và miễn trả lãi 1 tháng đầu tiên của kỳ hạn vay.


Trong khi đó, Ngân hàng An Bình cũng đang đẩy mạnh triển khai chương trình Mua nhà an cư dành cho các khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, đất, xây và sửa chữa/ nâng cấp nhà. Abank sẽ dành một khoản vốn lên đến gần 1000 tỷ đồng cho chương trình này.


Còn từ ngày 16/4, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) triển khai chương trình "Ưu đãi lãi suất cho vay" đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng cá nhân. Cụ thể, khách hàng có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động, kinh doanh trung dài hạn, sản xuất kinh doanh trả góp, mua nhà ở, xây sửa nhà, mua xe ôtô hoặc vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm... được cấp vốn với thời hạn vay tối đa 60 tháng, số tiền vay tối đa lên đến 5 tỷ đồng.


Cùng với các gói vốn dành cho BĐS, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều nguồn vốn uu đãi dành cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, từ 10/4/2012 tới hết ngày 30/6/2012, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.


Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) dành 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất, thuốc, hóa dược, thiết bị y tế, cao su, nhựa... với lãi suất ưu đãi (16 - 18%). Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, lãi suất áp từ 15%/năm và quy mô cho vay là 5.000 tỷ đồng, dự kiến giải ngân đến 31/5/2012 hoặc tới khi hết hạn mức.


Techcombank dành nguồn tín dụng lên đến 4000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất áp dụng chỉ còn từ 15% trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng truyền thống.


Ngoài nguồn vốn lớn, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều biện pháp để tái cơ cấu nợ và giúp DN thoát khỏi khó khăn về nợ nần, tạo ra hiệu quả kinh doanh lớn hơn. Cụ thể, ngân hàng sẽ xem xét cơ cấu lại nợ vay (gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ) theo quy định đối với các khoản vay có khả năng không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hoá, các dự án chậm tiến độ/chưa hoàn thành.


Xem xét cơ cấu tài chính đối với các khách hàng bị mất cân đối vốn do thiếu nguồn vốn đầu tư dự án/mua sắm tài sản cố định và có khả năng khắc phục tình trạng mất cân đối vốn, đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.


Thực hiện xem xét miễn giảm lãi đối với các khách hàng có thiện chí trả nợ, tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích khách hàng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh