25/05/2016 2:15 PM
Việc cho vay đảo nợ (cho vay nợ mới để trả nợ cũ) rất rủi ro nếu cho vay đảo nợ không đúng quy định, không đảm bảo các điều kiện cho vay an toàn, trong đó có việc nhằm mục đích che giấu, lấp liếm nợ xấu.
Cũng giống như việc cho vay một khoản vay hoàn toàn mới để sản xuất kinh doanh hay trả nợ, việc cho vay đảo nợ theo nghĩa thông thường nhất cũng chỉ là việc vay nợ mới để trả nợ cũ, vì vậy nó chưa nói lên rủi ro gì cụ thể.
Tuy nhiên, sẽ là rủi ro nếu cho vay đảo nợ không đúng quy định, không bảo đảm các điều kiện cho vay an toàn, trong đó có việc nhằm mục đích che giấu, lấp liếm nợ xấu. Khi đó, rủi ro cũng giống như với mọi khoản cho vay nói chung.
Tù mù quy định pháp lý
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch CLB Pháp chế Ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật Basico – cho rằng, điều khó nhất hiện nay là cơ sở pháp lý để cho phép hay cấm việc đảo nợ đang rất tù mù. Ngay khái niệm thế nào được coi là đảo nợ cũng không có quy định rõ.
Skip in 6...Ad finishes in 13 seconds
Chỉ biết rằng, việc cho vay đảo nợ đã từng bị cấm trong suốt nhiều năm.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 lần đầu tiên “bật đèn xanh” cho việc đảo nợ bằng quy định “Việc đảo nợ được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Điều này vẫn đang được quy định và có hiệu lực trong Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN, chỉ khác một chút là không phải theo quy định của Chính phủ mà là theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
“Tuy nhiên, đã gần 20 năm nay, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ có quy định về việc đảo nợ. Vì vậy, việc đảo nợ vẫn không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, qua nhiều công văn hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, thì hiện nay có thể hiểu, chỉ cấm việc đảo nợ nhằm che giấu nợ xấu, mà không cấm đảo nợ nói chung. Nghị định hiện hành số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng” cũng đã không còn xử phạt hành vi đảo nợ,” Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Mặt tích cực của việc đảo nợ là nợ của cả ngân hàng và doanh nghiệp vẫn được coi như nợ tốt. Thậm chí nợ xấu nhiều nhưng lại được đánh giá là xấu ít, nên vẫn được tiếp tục cho vay, vẫn được lãi suất thấp.
Mặt tiêu cực là nợ không xấu và doanh nghiệp hoạt động bình thường nhưng lại ẩn chứa nguy cơ lớn, mà thực chất đó là nợ xấu, là doanh nghiệp có rủi ro lớn. Tức là con bệnh rất nặng, nhưng lại vẫn cứ như là bệnh nhẹ, thậm chí cứ như là người hoàn toàn khoẻ mạnh.
Điều đó một mặt tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở lại hoạt động tốt, nhưng mặt khác nó cũng dễ tạo ra tâm lý chủ quan, dễ đánh lừa cả doanh nghiệp, cả ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý. Một khi con số bị che giấu, nợ xấu không đúng, sức khoẻ doanh nghiệp không đúng và tình hình cả nền kinh tế không đúng, nguy cơ rủi ro cho tất cả đương nhiên là lớn hơn.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn luôn đứng trước tin đồn nợ ngân hàng với số lượng cực “khủng”. Các doanh nghiệp “phải” có dự án mới hoặc mở rộng một lĩnh vực kinh doanh để làm cơ sở cho ngân hàng giải ngân. Từ đó dẫn đến không kiểm soát được hoạt động của doanh nghiệp, rủi ro nợ xấu cho ngân hàng.
Thực tế việc doanh nghiệp “càng lớn càng vay” nhìn chung là đương nhiên và hoàn toàn bình thường bởi doanh nghiệp càng lớn lại càng muốn và có khả năng đầu tư lớn. Đi đối với điều đó là số tiền vay thường cũng lớn tương ứng với quy mô đầu tư, phát triển dự án. Điều quan trọng nhất là khả năng an toàn vốn vay, trong đó có tỷ lệ vay vốn lớn hay nhỏ và khả năng trả nợ cao hay thấp, chứ không phải là nợ nhiều hay ít.
“Phao cứu sinh” nào cho DN?
Một khi doanh nghiệp không kiểm soát được khả năng an toàn vốn vay, bài học về nợ xấu năm 2008 của các ngân hàng Hoa Kỳ dường như lại ứng với một số trường hợp của doanh nghiệp Việt Nam. Tháng 11/2008, Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush đã phải đệ trình Hạ viện phê chuẩn gói cứu trợ 700 tỷ USD cho các ngân hàng và công ty tài chính nước này. Người dân Hoa Kỳ nổi giận với lý do các định chế tài chính đã kiếm bộn tiền khi thị trường thuận lợi, giờ lại dùng tiền thuế của người dân để sửa chữa cho những sai lầm của các ông lớn phố Wall. Nhưng lúc đó, sự công bằng đã bị bỏ qua một bên, Hạ viện Hoa Kỳ miễn cưỡng phê chuẩn lời thỉnh cầu của Tổng thống bởi các ngân hàng này lớn đến mức “không thể cho sụp đổ”.
Xét ở góc độ nào đó, việc nhà nước xem xét giải cứu một doanh nghiệp nào đó quả là có sự bất công, không bình đẳng khi chỉ cứu doanh nghiệp này mà không cứu doanh nghiệp khác. Cùng là bệnh trọng, nhưng bệnh nhân này thì được cứu sống vì được các bác sĩ tận tình cứu chữa, với thuốc hay, thầy giỏi, con bệnh khác thì phải chết hoặc tàn tật, vì chỉ được điều trị qua loa, toàn là giả dược.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi, cần phải tìm hiểu rõ bản chất của sự việc mới có thể đánh giá được là có nên cứu, cần cứu và phải cứu hay không. Sự sống còn của một vài doanh nghiệp lớn, thậm chí là siêu lớn (chỉ đối với Việt Nam), nhiều khi tác động dây truyền và ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế.
Ngay quy định của pháp luật về hoạt động bình thường của doanh nghiệp cũng đã có sự phân biệt khác nhau giữa doanh nghiệp nhỏ và lớn. Chẳng hạn như doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc nhóm đối tượng được ưu đãi về lãi suất vay ngân hàng, được quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn ngân hàng, hay được áp dụng lộ trình giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp xuống 20% trước doanh nghiệp lớn.
“Tuy nhiên, giải cứu doanh nghiệp lớn tức là ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của nền kinh tế thị trường, thậm chí làm méo mó môi trường kinh doanh. Tất nhiên, nếu điều gì đó rất không hợp lý với nền kinh tế thị trường đúng nghĩa thì rất có thể lại phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN,” Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Đối với một doanh nghiệp nào đó rơi vào khủng hoảng nợ và cần được giải cứu, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng có nhiều phương án có thể áp dụng như: giãn nợ bằng việc gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; đảo nợ; cho vay thêm vốn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; khoanh nợ (tạm dừng thu nợ và dừng tính lãi); xoá, miễn, giảm nợ gốc và lãi; bán nợ (cho VAMC hoặc các tổ chức khác),… Trong đó việc giãn nợ và đảo nợ là dễ được chấp nhận hơn cả.
Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng phương án cứu tốt nhất là chính doanh nghiệp phải mạnh dạn chấp nhận tái cơ cấu, cắt bỏ, hy sinh bớt quy mô và lợi ích, chứ không thể giữ lại toàn bộ. Vì vậy, muốn nhanh chóng vượt qua khó khăn và dễ được ngân hàng chấp nhận giải cứu thì phải cắt giảm, tiết kiệm chi phí; bán bớt nợ xấu để làm trong sạch sổ sách; bán bớt tài sản (nhất là tài sản thế chấp) để trả nợ; bán bớt dự án không phải là hoạt động cốt lõi để tập trung năng lực khôi phục doanh nghiệp.
Nguyễn Tuân (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.