Sau khi đường vành đai 2 có dải phân cách cứng, cổng "truyền thống" của khu đô thị Ciputra hướng ra đường Lạc Long Quân trở nên vắng hoe.
Kể từ năm 2001, khi những căn biệt thự đầu tiên có chủ, khu đô thị Ciputra có nhiều hướng ra vào gồm một cổng ở đường Lạc Long Quân, một cổng ở đường Phạm Văn Đồng và ba cổng ở đường Nguyễn Hoàng Tôn.
Nhưng với việc đường vành đai 2 đang được hoàn thành theo đó từ chân cầu Nhật Tân đến ngã tư giao cắt với đường Nguyễn Hoàng Tôn không bố trí điểm giao cắt, khu đô thị Ciputra sẽ không thể kết nối với đường Lạc Long Quân theo cổng cũ, hướng ra vào thuận tiện nhất để kết nối với đường Âu Cơ, từ đó đi vào khu vực phố cổ.
Từ đầu tuần này, cư dân Ciputra buộc phải ra vào bằng các cổng trên tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn, nhưng vì tuyến đường này chưa được mở rộng theo quy hoạch mà chỉ có chiều rộng hai làn xe, ùn tắc giao thông cục bộ giờ cao điểm đã xảy ra.
Một thông báo vừa được ban quản lý công sản của khu đô thị Ciputra gửi đến từng hộ dân cho hay, tình trạng ách tắc đã trở nên "nghiêm trọng" do các phương tiện giao thông đồng loạt hướng về phía cổng ở đường Nguyễn Hoàng Tôn.
Hiện nay, chủ đầu tư đang làm việc với chính quyền sở tại "để điều chỉnh vấn đề giao thông nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi cho các phương tiện tham gia giao thông".
Tạm thời, ban quản lý công sản ra quy định rằng trong giờ cao điểm từ 7h-8h30 sáng và 4h-5h30 chiều, cổng G2/G3 (cổng gần nhất trên đường Nguyễn Hoàng Tôn tính về phía hồ Tây) chỉ mở cửa cho các phương tiện đi vào khu đô thị, còn các phương tiện đi ra buộc phải đi theo các cổng khác.
Theo ghi nhận của PV, hầu hết cư dân cảm thấy bất tiện khi lối đi cũ đã bị bịt, trong khi lối đi mới lại chưa được mở rộng theo quy hoạch, khiến việc đi lại trở nên khó khăn, đặc biệt là trong thời gian tới khi thông cầu Nhật Tân và đường vành đai 2, giao thông khu vực này sẽ trở nên đông đúc.
Giải pháp căn cơ, lâu dài nhất có lẽ là việc Hà Nội cần nhanh chóng triển khai xây dựng tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn theo quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo giao thông đồng bộ và thông suốt cho toàn bộ khu vực mang tính chất cửa ngõ mới của thủ đô.
Khu đô thị Ciputra có tổng diện tích 394,135 ha, chia làm 3 giai đoạn. Dự án này do Tập đoàn Đầu tư phát triển bất động sản Ciputra (Indonesia) liên doanh với Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội (UDIC) làm chủ đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 2,1 tỷ USD.