04/11/2017 7:53 AM
Nhiều bạn đọc phản ánh, thời gian qua, tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp ở tỉnh Hưng Yên diễn ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến quy hoạch, mục đích sử dụng đất nông nghiệp, gây mất an ninh trật tự ở nông thôn. Đồng thời kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng ở tỉnh Hưng Yên xử lý nghiêm, hiệu quả.

Một số công trình xây trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Minh Tân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên

Biến đất thổ canh thành thổ cư

Dọc tỉnh lộ 386 thuộc xã Minh Tân (Phù Cừ, Hưng Yên) hàng chục ngôi nhà kiên cố đã mọc lên. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ Nguyễn Văn Khôi cho biết: Đây là những căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thuộc thôn Tần Tiến và thôn Nghĩa Vũ, xã Minh Tân. Họ xây với lý do để phục vụ chuyển đổi sản xuất, nhưng thực chất là xây nhà để ở, kinh doanh.

Việc xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Minh Tân diễn biến phức tạp, kéo dài nhiều năm. Thậm chí, sau khi có Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16-3-2016 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc “tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh”, vẫn có hàng chục hộ xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo xác minh của UBND xã Minh Tân, toàn xã có 190 hộ gia đình xây dựng nhà, nhà tạm trên đất nông nghiệp với diện tích gần 7.000 m2 không đúng quy định. Trong đó, 82 hộ xây dựng nhà, nhà tạm trên đất chuyển đổi chưa được phê duyệt nằm trong quy hoạch chuyển đổi; 62 hộ xây diện tích nhà, nhà tạm vượt quy định cho phép; 46 hộ xây dựng nhà, nhà tạm trên đất nông nghiệp chuyển đổi không nằm trong quy hoạch. Chủ tịch UBND xã Minh Tân Vũ Văn Viến cho biết: Các hộ nông dân xây nhà trên đất nông nghiệp để phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, cũng có những hộ chuyển đổi xây nhà để ở, kinh doanh. UBND xã đã phát hiện và lập biên bản vi phạm, nhưng nhiều hộ vẫn cố tình xây dựng; trong khi chính quyền thiếu kiên quyết, nể nang, thậm chí có cả cán bộ xã vi phạm, cho nên chưa ngăn chặn hiệu quả được tình trạng này.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh có gần 5.000 trường hợp xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai; trong đó có hơn 3.400 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hơn 1.500 trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Những địa phương có nhiều nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp là: huyện Phù Cừ có hơn 987 trường hợp, TP Hưng Yên 213 trường hợp, huyện Ân Thi hơn 125 trường hợp... Tình trạng này diễn biến phức tạp, có nguy cơ biến đất thổ canh thành đất thổ cư trên diện rộng; nhất là ở những khu vực ven đường giao thông, những nơi kinh tế phát triển, đất có giá trị cao và những vùng đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp tràn lan để lại hệ lụy rất lớn; phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư, nhất là khi có việc thu hồi đất để thực hiện dự án thì rất phức tạp, thường tạo nên các điểm nóng về an ninh trật tự nông thôn...

Cần xử lý nghiêm

Trước tình trạng xây dựng nhà trái phép tràn lan trên đất nông nghiệp, UBND tỉnh Hưng Yên ra Chỉ thị số 02/CT-UBND về “Tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh”. Tuy nhiên tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp không giảm, mà còn tăng thêm 254 trường hợp xây nhà trái phép. Để lập lại kỷ cương trong việc quản lý đất đai, ngày 31-3-2017, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành kế hoạch số 93A “Giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép”. Sau hơn sáu tháng tuyên truyền, vận động, người dân tự tháo dỡ 830 công trình vi phạm, các cơ quan chức năng lập biên bản 1.565 trường hợp vi phạm, quyết định xử phạt hành chính 662 trường hợp, cưỡng chế 126 trường hợp.

Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch 93A của UBND tỉnh, một số hộ nông dân chưa đồng tình, tìm mọi biện pháp để trì hoãn, ảnh hưởng đến công tác giải tỏa. Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Trần Minh Hải cho biết: Toàn huyện có hơn 900 hộ xây dựng nhà ở, nhà tạm vi phạm phải tháo dỡ. Qua tuyên truyền, vận động và đối thoại đã có 383 hộ đã tháo dỡ xong công trình, phần công trình vi phạm; 280 hộ đang tháo dỡ. Số hộ chưa tự giác tháo dỡ vẫn còn nhiều, trong đó có một số hộ do chưa nắm rõ, hiểu chưa hết, chưa đúng, chưa đủ về quyền và nghĩa vụ của chủ dự án thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hoặc về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Một số người dân đã chây ỳ, chống đối bằng nhiều hình thức; viết đơn khiếu nại lên các cơ quan chức năng của tỉnh, trung ương; đưa gia súc, gia cầm lên nhà ở, tháo dỡ cầm chừng...

Được biết, thực hiện chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên đất nông nghiệp và phát triển kinh tế trang trại trong những năm qua, hàng chục nghìn hộ nông dân ở tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi mô hình sản xuất trên đồng ruộng theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tự phát. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất đã nảy sinh nhu cầu nhà tạm để làm kho chứa vật tư, nguyên liệu, nơi trông coi phục vụ sản xuất. Trước nhu cầu đó, UBND tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định số 03/2002/QĐ-UB ngày 22-1-2002 về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Hưng Yên, trong đó nêu rõ: “Chủ dự án thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp được phép làm nhà tạm trên diện tích chuyển đổi để trông coi, bảo vệ phù hợp với quy mô sản xuất và thời gian sử dụng đất của dự án được duyệt... Nghiêm cấm việc sử dụng đất chuyển đổi để làm nhà ở”; và Quyết định số 46/2005/QĐ-UB ngày 15-6-2005 của UBND tỉnh Hưng Yên về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại có nội dung: các chủ trang trại được làm nhà tạm trên diện tích sử dụng của trang trại để chứa sản phẩm, công cụ, vật tư sản xuất và bảo vệ, diện tích nhà tạm không quá 36m2 xây dựng. Không xây nhà ở kiên cố trên đất làm trang trại. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhiều căn nhà kiên cố trái phép, vượt quy định trên đất nông nghiệp để ở. Phần lớn những trường hợp vi phạm này chưa tháo dỡ, hoặc tháo dỡ cầm chừng đã gây nên những khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch 93A của tỉnh Hưng Yên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử cho rằng: Việc giải tỏa là cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng biến đất thổ canh thành thổ cư, lập lại trật tự trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp. Hiện đã xong bước một và đang thực thi bước hai là xử lý các công trình nhà ở xây dựng vượt quy mô cho phép trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 16-3-2016 của UBND tỉnh Hưng Yên.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, có nhiều ý kiến cho rằng việc giải tỏa công trình vi phạm nên thực hiện nhiều bước, bằng nhiều biện pháp; trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tự tháo dỡ; xem xét, phân loại mức độ vi phạm, tổ chức đối thoại với nhân dân để cùng đưa ra giải pháp thực hiện khả thi, có lý, có tình; hướng dẫn, tạo điều kiện cho những hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp xây nhà tạm phục vụ sản xuất theo quy định của tỉnh. Đồng thời kiên quyết tháo dỡ các công trình nhà ở trái phép của những hộ chây ỳ. Cần kiểm điểm, xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương, cán bộ địa chính ở những nơi để xảy ra vi phạm. Đây sẽ là giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.

Hà Văn (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.