Thị trường bất động sản thời gian dài vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc lừa đảo lớn trong đó chủ yếu liên quan đến việc chủ đầu tư dùng nguồn vốn huy động của khách hàng nhưng lại đem tiền đó đi đầu tư, sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại rất lớn cho khách hàng.
Đơn cử, như vụ việc Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 huy động vốn trái phép của hơn 300 khách hàng với tổng số tiền 800 tỷ đồng để bán nhà liền kề, biệt thự tại dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5. Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí (PVCR) với Dự án Hanoi Time Tower (Hà Đông, Hà Nội), Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản Ngọc Lan với Dự án Chung cư 83 - Ngọc Hồi (Hoàng Mai, Hà Nội)... cũng huy động của người mua nhà hàng trăm tỷ đồng rồi không tiến hành xây dựng đúng cam kết.
Chính vì vậy, trong năm 2012, các vụ kiện cáo của khách hàng phần lớn là do các chủ đầu tư huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của khách hàng, sau đó đầu tư vào nhiều dự án khác nhau dẫn đến tình trạng mất thanh khoản.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, vấn đề không phải là quy định có cho nhà đầu tư thứ cấp góp vốn hay không, góp bao nhiêu phần trăm, quy định chủ đầu tư bán hàng ở giai đoạn nào, bán bao nhiêu…, mà quan trọng là phải có chế tài bảo vệ những đồng vốn góp của người dân.
“Phải có chế tài đảm bảo những đồng vốn mà chủ đầu tư huy động được giải ngân cho chính dự án đó, không thể để chủ đầu tư huy động vốn rồi muốn làm gì thì làm, lấy tiền của dự án này đầu tư vào dự án khác. Khi thị trường điều chỉnh, dự án “chết” dây chuyền, khiến nhà đầu tư bị vạ lây.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cũng cho rằng, điểm nóng khó giải quyết nhất của thị trường bất động sản hiện nay khi hàng loạt dự án bất động sản đã huy động vốn của nhà đầu tư, nhưng không tiến hành xây dựng đúng cam kết. Thậm chí, chủ đầu tư còn mang chính dự án đã huy động vốn của khách hàng để thế chấp, vay tiền ngân hàng rồi “ôm” cả tiền của ngân hàng lẫn nhà đầu tư thứ cấp bỏ trốn khiến khách hàng mất niềm tin, thị trường trở nên hỗn loạn như hiện nay.