Theo Báo cáo đánh giá về thực trạng nợ công hiện nay của Việt Nam của Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng BIDV vừa công bố, quy mô nợ công hiện đang gia tăng nhanh, áp sát ngưỡng kiểm soát của Quốc hội.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Cuối năm 2015, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011, tương ứng mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.
Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng nợ công tối ưu nhằm đảm bảo nợ công là động lực giúp tăng trưởng kinh tế thông thường cho các nước đang phát triển có nền tảng tốt là 60% và có nền tảng kém là 30-40%. Vì vậy, mức ngưỡng nợ công/GDP được Quốc hội đề ra 65% là phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đưa ra ước tính và cho rằng tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100%. Và việc vượt ngưỡng tối ưu có thể tiềm ẩn rủi ro.
Bên cạnh đó, các chuyên ra cũng cho rằng việc sử dụng nợ công hiện nay còn bất cập khi một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 2011- 2015, chi ngân sách chủ yếu là chi thường xuyên với mức tăng trưởng là 18,44%/năm. Ngược lại, chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm, nhất là từ năm 2013 đến nay, chỉ ở mức 4,8%/năm.
Sử dụng nợ công chưa hiệu quả dẫn đến nhiều tiêu cực với nền kinh tế. Trong đó, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách nhà nước. Do đó, Chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Ngoài ra, lãi suất bị đẩy lên cao, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản vay.
Để sử dụng hiệu quả nợ công và hạn chế rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn tới, theo BIDV, nên xem xét thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công. Phát triển nội lực của nền kinh tế thông qua tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhằm thúc đẩy phân bố nguồn lực, phát triển kinh tế và tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nước lên trên 30%.
Ngoài ra, Chính phủ cần giao Bộ Tài chính làm đầu mối xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ngay trong quý 3/2016, để chính thức triển khai từ cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016.
Theo đó, dự kiến Chính phủ dành khoảng hơn 12 tỷ USD để trả nợ năm nay, gồm trả trực tiếp đã bố trí trong dự toán ngân sách năm, trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại và đảo nợ.
Chính phủ cũng có kế hoạch vay hơn 20 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu để chi vào khoản vay để bù đắp bội chi, phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư, vay ODA ưu đãi để cho vay lại,…