Lâu nay vấn đề “tín dụng đen” tồn tại ở Việt Nam như một “khuyết tật” của nền kinh tế, thị trường tài chính. Là một hoạt động phi pháp nhưng tín dụng đen vẫn ngang nhiên chào mời trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội thông qua Google, Facebook.
Trước thực tế này, bản thân Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đang “đau đầu” tìm giải pháp tháo gỡ. Tại diễn đàn Kinh tế ViEF 2018, Phó Thủ tướng Vương Định Huệ đã đặt lại vấn đề trên với hy vọng tìm được giải pháp tháo gỡ từ phía các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước.
Tín dụng đen chiếm 60% vốn doanh nghiệp SME
Ông Nguyễn Kim Hùng, Tổng giám đốc VERCO, cho biết có một thực trạng đáng báo động là, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam đang đói vốn và vẫn phải tìm tới tín dụng đen như một giải pháp.
Nhiều doanh nghiệp SME hình thành từ những khát khao nghề nghiệp của các kỹ sư. Họ có tay nghề, có khát khao, nhưng không có chuyên môn về tài chính, cấu trúc vốn. Thực tế cho thấy, trung bình các doanh nghiệp SME chỉ có 10 tỉ đồng vốn ban đầu sau đó huy động vốn đề làm.
“Khi doanh nghiệp phát triển tới một ngưỡng nào đó cần huy động vốn, thì vấn đề mới trở nên khó khăn. Đôi khi vốn điều lệ chỉ là vốn điều lệ, còn vốn thực hiện chỉ có khoảng 20-30%”, ông Hùng nói.
Theo quan sát, ông Hùng cho biết, có những thời điểm 60% vốn của doanh nghiệp SME là từ tín dụng đen. Lý do cũng dễ hiểu, bởi SME rất khó phát hành trái phiếu, việc thuê tài chính thì còn khá mới tại thị trường Việt Nam. Vì thế, lẽ đương nhiên, tín dụng đen, nguồn vốn phi chính thức giống như một giải pháp nhất thời với họ.
Sau đó là gánh nặng lớn với doanh nghiệp SME khi không thể hạch toán những chi phí không chính thức vào kết quả kinh doanh. “Chi phí không chính thức lên tới trên 10% chi phí vốn/1 năm. Điều đó vô tình làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt”, ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cho rằng, có nên chăng chúng ta hãy hợp thức hoá các chi phí không chính thức nêu trên? Bởi nhu cầu vốn của doanh nghiệp là có thực, chi phí đó là có thực. Để thích ứng mà không có hành lang pháp lý bảo vệ, doanh nghiệp buộc phải ghi nhận chi phí đó vào giá trị hàng hoá, bằng các chi phí khác. Cuối cùng lợi nhuận rất thấp. Vì vậy việc hợp thức hoá nguồn vốn tín dụng đen có thể giúp các SME được cạnh tranh công bằng hơn và tạo sự minh bạch cho thị trường.
“Đen” không phải là xấu
Phần nào đồng cảm với khó khăn của doanh nghiệp SME, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng sở dĩ tín dụng đen phổ biến do một số nguyên nhân. Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu của người dân, tiểu thương với thủ tục vay nhanh gọn, không vướng điều kiện vay vốn chặt chẽ như ngân hàng nên dễ tiếp cận với đối tượng vay. Thứ hai là tình trạng sử dụng nguồn tín dụng đen để trả nợ ngân hàng cũng rất nhiều. Như vậy là chuyển rủi ro từ ngân hàng sang hệ thống tài chính.
Trong thời gian qua cũng xuất hiện hình thức mới như cho vay ngang hàng (P2P) với lãi suất cao.
Theo ông Tuấn, đen không phải là xấu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần hiểu cho cơ quan nhà nước, với chi phí trừ thuế thì doanh nghiệp ít nhất cũng cần có giấy tờ để chứng minh nguồn gốc nguồn tiền, nên rất khó để hạch toán chi phí phi chính thức vào vốn.
Vậy câu hỏi đặt ra là: nhu cầu của doanh nghiệp là vậy, làm sao để đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp? Có ý kiến cho rằng, giải pháp cần làm là đơn giản hoá thủ tục cho vay, thủ tục thanh toán nhanh, gọn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, cùng với đó là các chương trình tín dụng ưu đãi. Vấn đề là làm sao huy động tốt hơn nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Theo ông Tuấn, với các hình thức kiểm soát mới, chúng ta cần kiểm soát các hình thức huy động, cho vay mới xuất hiện trên thị trường.
Để góp ý thêm cho câu chuyện làm sao hợp thức hoá tín dụng đen, Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho rằng, việc hợp thức hoá sẽ giúp điều tiết hiệu quả hơn. Tín dụng đen phát triển khá mạnh, dựa vào thói quen của người dân, vì vậy cần có sự kiểm soát các giao dịch để có thể quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với các doanh nghiệp SME.
Đại diện KPMG cũng khuyến cáo, ngân hàng cần có các thủ tục gọn nhẹ, hiệu quả hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh chính thức này. Cùng với đó là thiết kế các quy trình, cơ chế khác nhau với quy mô các khoản vay phù hợp với từng đối tượng.
Bày tỏ sự quan tâm lớn tới hình thức vay phi chính thức tại các nước phát triển sẽ xử lý ra sao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: thế giới xử lý với các hình thức vay phi chính thức, chưa có quy định như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, đại diện KPMG cho biết, xử lý tín dụng đen và hoạt động phi chính thức bằng cách thể chế hoá, chính thức hoá nó để kiểm soát có hiệu quả hơn.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho rằng, Việt Nam có thể thiết kế các gói sản phẩm khác nhau cho các đối tượng cần, như cho thuê mua tài sản hoặc qua Fintech để tiếp cận khoản vay dễ dàng hơn.
-
Tín dụng “đen”: Dẹp được không?
Thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long rộ lên các băng nhóm cho vay nặng lãi. Ðằng sau những lời lẽ ngọt ngào như: “Cho vay không cần thế chấp, chỉ cần CMND, hộ khẩu”; “Giao tiền tận nơi”… là “quả đắng” cho những ai nghe theo “ngân hàng cột điện”.