Cho vay như… cướp giật
Bà Nguyễn Thị B ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ là một trong hàng trăm nạn nhân của nạn cho vay nặng lãi. Bà B kể: Chồng tui bệnh nặng phải chuyển viện lên TPHCM điều trị. Ði vay khắp xóm cũng chỉ được vài triệu bạc. Thấy cái quảng cáo cho vay dán trên cột điện (người dân quen gọi là ngân hàng cột điện) nên điện thoại cho người ta hỏi vay. Tôi cho địa chỉ, và chưa đầy một tiếng sau, một thanh niên xăm trổ đầy mình chở theo một cô gái xách tiền tới. Sau khi coi giấy CMND và sổ hộ khẩu xong họ kêu tôi ký vào tờ giấy vay 10 triệu đồng.
Tuy nhiên tôi chỉ nhận được 8 triệu 2 trăm ngàn với lời giải thích: Tiền “giấy tờ thủ tục” hết 1 triệu đồng, hoa hồng cho con em 4 trăm ngàn, và 4 trăm ngàn còn lại là thu tiền góp lần đầu. “Hợp đồng tín dụng” mà bà B vay còn buộc bà phải trả góp hàng ngày 400 ngàn đồng, trong vòng 60 ngày, nhưng nếu chậm 3 ngày trở lên thì quay lại từ đầu. Quả thật là cho vay như… cướp giật!
Một nạn nhân khác, bà Ðặng Ngọc H, ngụ tại Mỹ Tho, Tiền Giang cho biết bà vay của “ngân hàng cột điện” 20 triệu đồng, và cũng với thủ đoạn tương tự như trên, bà mất đứt 18% ngay khi ký nhận tiền. Tuy nhiên do làm ăn khó khăn bà không kịp trả nợ đúng theo thỏa thuận, nhóm cho vay đã xách cả hung khí đến nhà bà dằn mặt. Sợ ảnh hưởng đến tính mạng, bà H phải cắn răng vay mượn để trả lãi mỗi ngày 1 triệu đồng.
Tại Phú Quốc (Kiên Giang), chị Trần Thị Trúc, tạm trú khu phố 7, thị trấn Dương Ðông (Phú Quốc) cho biết, tháng 9/2017, chị vay của nhóm dân anh chị tên là “P Béo” 5 triệu đồng để gửi về quê cho mẹ chữa bệnh. Thỏa thuận khi vay tiền là mỗi ngày chị trả góp 250.000 đồng, thời hạn trong 30 ngày. Tính ra, vay có 5 triệu đồng, sau 1 tháng chị Trúc phải trả tổng cộng 7,5 triệu đồng, lãi suất 50%. Những ngày thiếu tiền góp, thì nhóm cho vay tự đưa mức phạt 100% cộng dồn vào nợ gốc. Ðến nay, chị Trúc nợ nhóm cho vay gần 20 triệu đồng. Mỗi lần tiệc tùng ăn nhậu, đàn em P Béo lại gọi chị Trúc tới rót bia mua vui. Từ chỗ là con nợ, chị Trúc bị biến thành như một “người hầu” cho nhóm cho vay nặng lãi.
Các băng nhóm giang hồ cho vay nặng lãi thường nhắm vào người lao động nghèo, giới cờ bạc, những người thiếu thông tin sống ở vùng sâu, vùng xa… để cho vay. Lý do hết sức đơn giản là những đối tượng này đều khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng.
Công an tỉnh Kiên Giang cho biết: Các băng nhóm giang hồ thường cho đàn em vào làm trong công ty vệ sĩ. Bản thân các “đàn anh” thì thành lập công ty tài chính, công ty thu nợ thuê để núp bóng. Khi con nợ không có tiền trả, những đối tượng cho vay cũng ít khi ra tay đánh đập, hành hung, mà chỉ hăm dọa, gây áp lực lên con nợ bằng nhiều cách, như: tới nhà chửi bới, đập phá vật dụng, tài sản, tới nơi làm việc, gặp bạn bè, người thân của con nợ nhắn gửi…, làm cho con nợ lâm vào cảnh bế tắc, bị ức chế dẫn tới khủng hoảng tâm lý trầm trọng.
Kiên quyết dẹp “tín dụng đen”
Chiều ngày 3/8, trao đổi với Tiền Phong, thượng tá Trần Văn Dương - Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an TP Cần Thơ cho biết, liên quan đến việc phòng ngừa trấn áp tội phạm về cho vay nặng lãi, đòi nợ, siết nợ theo kiểu xã hội đen trên địa bàn, Công an đã rà soát, xác định trên địa bàn thành phố có 7 nhóm (63 đối tượng) và 6 công ty (23 đối tượng) cho vay nặng lãi; 5 công ty (22 đối tượng) và 1 văn phòng đại diện (13 đối tượng) hoạt động đòi nợ thuê.
Ðợt cao điểm vừa qua, Công an thành phố phát hiện, xử lí 47 vụ, 113 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ, siết nợ (gồm 34 vụ, 81 đối tượng cho khoảng 650 người vay tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng với lãi suất từ 10%/tháng trở lên; 13 vụ, 32 đối tượng đòi nợ, siết nợ); thu giữ trên 200 hồ sơ vay tiền, 92 ngàn tờ rơi, tờ bướm, tờ gấp, danh thiếp có nội dung quảng cáo cho vay tiền, cùng nhiều hung khí và hàng trăm giấy tờ, đồ vật có liên quan.
Ngành chức năng đã khởi tố hình sự 4 vụ, 9 đối tượng về tội “cố ý gây thương tích”, “làm nhục người khác”, “hủy hoại tài sản”, “bắt giữ người trái pháp luật” phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động đòi nợ; đang hoàn tất hồ sơ khởi tố hình sự 4 vụ, 4 đối tượng về tội “cho vay nặng lãi”; lập hồ sơ, đưa đi cai nghiện bắt buộc 5 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 30 đối tượng và giáo dục, nhắc nhở, cam kết không tái phạm 33 đối tượng có liên quan hoạt động cho vay, đòi nợ, siết nợ…
Cũng theo thượng tá Dương, những đối tượng cho vay nặng lãi đến từ nhiều nơi, đa số từ miền Bắc vào. Các đối tượng thường thành lập một nhóm, thuê trọ, mang theo 1 - 2 tỷ đồng rồi đi hoạt động ở các địa điểm như chợ, bệnh viện, dán tờ rơi kèm số điện thoại, hình thức vay “không cần thế chấp, duyệt hồ sơ nhanh chóng” ở các trụ điện, thậm chí phát công khai tại khu vực ngã tư khi người dân dừng chờ đèn đỏ nhằm tiếp cận người cần vay.
Một tay “anh chị” trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: Hiện có nhiều băng nhóm từ phía Bắc kéo vào hoạt động cho vay nặng lãi trên đảo. Giới cho vay tại chỗ cũng thuộc loại có máu mặt, nhưng khi các nhóm “lạ” xuất hiện, nhiều nhóm ở địa phương đã phải nhường địa bàn. Các băng nhóm cho vay nặng lãi trên đảo Phú Quốc chủ yếu đến từ: Hà Nội, Thanh Hoá, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An…, Tuy nhiên người dân thường gọi chung đó là các băng “Hải Phòng”. Bởi hầu như băng nào cũng có bóng dáng vài tay “anh chị” xưng danh gốc Hải Phòng trực tiếp điều hành. PC45 Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã ra quân “dẹp loạn” tín dụng đen. Kết quả ban đầu cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện nay có 8 công ty và 421 đối tượng đang có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi. Ðại tá Lưu Thành Tín - Phó giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ lập chuyên đề đấu tranh triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi. Hiện lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã khoanh vùng khoảng 100 công ty tài chính có phép và không phép cùng hàng trăm đối tượng trực tiếp cho vay nặng lãi hoạt động trên địa bàn tỉnh này, chủ yếu là ở đảo Phú Quốc. |