Nhà đất phát triển quá nóng trong những năm qua gây nhiều hệ lụy. Nó biến những người thực sự làm ăn chân chính, nhất quyết không bị quyến rũ bởi cơn lốc kiếm tiền bằng mọi giá, bán linh hồn bằng mọi cách, thành những kẻ đứng đường.
Này nhé, căn cứ mức lương tối thiểu 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực 1 hiện nay, đem so với giá căn hộ cho người thu nhập thấp tròm trèm 1 tỷ đồng, cứ cho là anh may mắn chen chân mua được, thì anh có đi làm cả đời, không ăn cắp, không khổ sở nai lưng bù đầu làm thêm ngoài giờ, không tham nhũng, thì cả đời anh sẽ đứng đường, vì không mua được nhà.

Nhưng thực tế là ngoài những kẻ ăn xin, những trẻ bán báo hay người tâm thần ngủ ở ngoài đường, thì những người có việc làm ở thành phố không thấy ai ngủ ngoài đường. Lấy mình làm ví dụ, lương mỗi tháng 6 triệu đồng, cũng coi là khá rồi, nhưng chẳng thể đủ chi phí cho hai mẹ con, phải mỗi tháng có 10 triệu đồng mới tạm coi là đủ. Với 4 triệu đồng còn thiếu kia, mình phải ra sức mà cày thêm. Mình lại còn lo xa lúc ốm đau nên nhất định phải có tiền gửi ngân hàng, thế thì càng phải cày tợn, và thế là tất lẽ dĩ ngẫu cái đầu phải nghĩ, cái chân phải đi, ăn cắp giờ làm ở cơ quan để cày bên ngoài là chuyện thường, nói dối để kiếm thêm quen rồi không thấy ngượng nữa, ai cũng biết thế.


Có những người lương cứng có khi kém mình chút chút, cũng không thấy làm thêm bù đầu, mà lại sở hữu căn hộ cao cấp, có thêm vài lô đất để dành, nghỉ hè cả nhà đi rì zọt cả tuần xả láng cuộc đời. Lạ chưa!


Ở nước mình mức thu nhập đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới, vậy mà giá nhà đất đô thị đôi lúc cao hơn cả giá nhà đất ở đô thị của các nước phát triển bậc nhất. Ai cũng thấy thật vô lý quá đi. Vậy nhưng người người ào đi mua nhà, người người tham gia buôn nhà đất, đẩy giá lên cao ngất trời, gọi là giá ảo. Tiền ở đâu ra nhỉ khi mà với thời giá tiêu dùng bây giờ thì đồng lương không đủ ăn? Tiền đó là tiền ảo. Tiền ảo bây giờ nhiều vô kể ở nước ta. Này nhé, mình viết một kịch bản được trả khoản tiền nhuận bút 5 triệu đồng, nhưng mình phải ký khống một phiếu chi 10 triệu đồng. Vậy 5 triệu kia là tiền ảo. Một người tổ chức sự kiện, xin được nguồn tài trợ 1 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ được lĩnh về 5 trăm triệu đồng để chi phí cho sự kiện, một nửa kia là tiền ảo.


Hay một tờ tạp chí nghèo, phát hành ít nên không ai muốn quảng cáo, nếu muốn có nơi quảng cáo phải nhắm mắt ký hợp đồng giá tới 30 triệu đồng một trang, nhưng thực thu về chỉ 12 triệu đồng, số còn lại tất nhiên là tiền ảo. Nhà thầu để ký được hợp đồng xây cầu hay đường quốc lộ, cũng không tránh khỏi phải chấp nhận một khoản tiền ảo trong hợp đồng. Thảo nào cầu đường ở ta chóng xuống cấp một cách đáng ngạc nhiên. Hầu hết những khoản tiền ảo này tiếp tục trôi vào những căn hộ, những biệt thự, lô đất có giá ảo để tiếp tục nhân cái sự ảo lên cao nữa. Một thảm họa đang tích tụ dưới dạng bong bóng nhà đất! Thảm họa nhãn tiền là kinh tế vỡ, thảm họa sâu xa là văn hóa sụp đổ. Để căng người cho vừa quả bong bóng kia, thì ta phải tự biến tướng. Thói đạo đức giả, ăn cắp, nói dối thành chuyện đương nhiên, ai cũng hiểu và ai cũng phải làm thế mới trụ lại được với thời cuộc bong bóng này.


Ta có còn là người chân chính nữa hay không? Khốn thay kiếp người phải biến tướng cho vừa cái sự ảo đang hoành hành. Lịch sử và con cháu sau này chất vấn, chúng ta lấy lý lẽ gì để biện hộ?


Nếu không khuất phục sống ảo, thì… nào ta cùng đứng đường!
Theo Kiều Bích Hậu (Tam Nhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.