15/01/2011 2:10 AM
Từ 1/1/2011, sẽ áp dụng 2 mức thuế suất xuất khẩu vàng là 0% và 10%, tùy theo tuổi vàng. Thế nhưng, giới chuyên môn cho rằng, để xác định tuổi vàng đến sai số 1/10.000 là không thể.

Ước tính, vàng trang sức chỉ chiếm 20% lượng vàng tiêu thụ hàng năm tại thị trường Việt Nam

Thông tư 184/2010/TT-BTC quy định về mức thuế suất của Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế do Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11/2010. Thông tư quy định vàng nguyên liệu có hàm lượng dưới 99,99% và vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng trên 99,0% phải chịu thuế suất xuất khẩu là 10%, các loại khác là 0%. Nhưng Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, hiện tại các thiết bị, công nghệ giám định vàng ở Việt Nam cũng như trên thế giới chỉ có thể xác định được sai số đến 1/1.000, chưa có khả năng phát hiện sai số tới 1/10.000.

Các phương pháp kiểm định tuổi vàng phổ biến trên thế giới hiện nay là: Thử vàng trên đá (touchstone); Cân tỷ trọng (density); Bút điện tử (electronic pen); Huỳnh quang tia X (X-ray fluorescence); Nhiệt kim hóa học (fire assay); ICP (introductively coupled plasma). Giới chuyên môn cho biết, 3 phương pháp đầu tiên có độ chính xác kém, không đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Ba phương pháp tiếp theo có độ chính xác cao, nhưng chi phí đầu tư các loại máy móc thiết bị này lên đến hàng chục tỷ đồng, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng, và muốn đầu tư. Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VGTA cho biết, hiện tại, trong nước chỉ có vài tổ chức lớn như ACB mới trang bị một phòng thí nghiệm chuyên dụng (assay laboratory) để giám định tuổi vàng một cách chính xác nhất.

Thực tế, việc kê khai hải quan đang được điện tử hóa, tạo sự thông suốt cho hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng cũng không phải là cơ quan hải quan không kiểm tra. Vậy khi doanh nghiệp kê khai xuất khẩu vàng thì đơn vị nào đứng ra giám định tuổi vàng, khi mà mức thuế suất chênh lệch quá lớn: vàng từ 99 đến 9999 là 10%, còn lại 0%. Như vậy có thể thấy, do trình độ của doanh nghiệp Việt Nam trong xác định tuổi vàng có hạn nên Thông tư 184 khó khả thi.

Việc Chính phủ tăng thuế suất xuất khẩu vàng, mục đích đầu tiên là nhằm hạn chế xuất khẩu, tiến đến hạn chế nhập khẩu vàng để giảm nhập siêu, kìm chế lạm phát, giảm bớt căng thẳng trên thị trường ngoại tệ... Nhưng, theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới, Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ vàng lớn trên thế giới, bình quân mỗi năm tiêu thụ khoảng 50 tấn vàng, trong đó vàng miếng chiếm tới 80%, còn vàng trang sức chỉ chiếm khoảng 20%. Việc “đánh” vào vàng 9999 là đúng mục tiêu, nhưng liệu có khả thi? Theo NHNN, hiện huy động trong hệ thống ngân hàng đạt 92,6 tấn vàng (tương đương 73.000 tỷ đồng). Ngoài ra, số lượng vàng cất trong két của dân là không thể tính chính xác. Vì tập quán và thói quen cất trữ vàng như tài sản có giá trị của người dân đã tồn tại mấy chục năm qua, sẽ còn tiếp tục tồn tại. Mặt khác, do lượng vàng sản xuất được trong nước rất ít nên chủ yếu chúng ta phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện lượng vàng nhập khẩu được kiểm soát bằng hạn ngạch do NHNN cấp. Thuế suất xuất khẩu vàng cao cũng không chắc chắn là giữ được vàng ở lại trong nước. Đầu ra, đầu vào đều bị hạn chế, sẽ khiến mất cân đối cung cầu trầm trọng, đẩy khoảng cách giá vàng trong nước và giá thế giới xa nhau hơn. Mặt khác, nếu không đi được đường “cái quan”, vàng sẽ đi bằng đường buôn lậu. Lúc đó một lượng lớn vàng, thay vì được gửi ngân hàng sẽ chảy ra ngoài, và kèm theo đó là lượng ngoại tệ dùng trong xuất, nhập khẩu lậu vàng cũng sẽ “chạy” khỏi tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.

Năm 2010, thị trường vàng đã trải qua nhiều sóng gió, có những nguyên nhân gián tiếp từ thế giới, nhưng cũng có nhiều nguyên nhân trực tiếp từ quản lý, điều hành của chúng ta. Cho đến giờ vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược về biện pháp kiểm soát thị trường vàng. Đơn cử như việc cho mở hay không mở sàn vàng tập trung.

Trong một lần tiếp xúc với báo giới, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cơ quan được giao trọng trách quản lý thị trường vàng - bày tỏ quan điểm: không thể coi vàng là phương tiện thanh toán, vàng chỉ có thể đóng vai trò là đồ trang sức. Mà đồ trang sức thì không cần nhập khẩu nhiều, cũng không cần phải có quá nhiều điểm kinh doanh buôn bán như hiện nay. Ông cũng cho rằng, chính vì vàng đang đóng vai trò là phương tiện thanh toán nên đã có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, đến cán cân thương mại...

Một số ngân hàng phát hành chứng chỉ vàng

Sau khi NHNN yêu cầu các NHTM không huy động tiết kiệm vàng, đã có một số NHTM phát hành chứng chỉ vàng như: NHTMCP Phương Đông (OCB) phát hành chứng chỉ huy động ghi danh ngắn hạn bằng vàng với các kỳ hạn huy động: 1, 2, 3 tháng; 6 tháng, 9 tháng và 11 tháng. Toàn bộ gốc và lãi của chứng chỉ được thanh toán một lần khi đến hạn. Lãi được trả cuối kỳ với lãi suất các kỳ hạn như sau: 1 tháng (1,10%/năm); 2 tháng (1,20%/năm); các thời hạn còn lại là 1,5%/năm. Thời hạn phát hành: Từ ngày 1/1/2011 đến hết 1/3/2011 hoặc đến khi phát hành đủ 200.000 chỉ vàng. Khách hàng được giải quyết rút vốn trước hạn khi có nhu cầu bất khả kháng, OCB sẽ không trả lãi cho khách hàng.

HDBank cũng đang phát hành chứng chỉ gửi vàng ngắn hạn đợt 1/2011 (từ 4/1 đến 28/2/2011). Chứng chỉ vàng gửi ghi danh có các kỳ hạn 1, 2, 3, 6, 9 tháng và 364 ngày. Khách hàng được chuyển nhượng, thừa kế, cho, tặng, biếu người khác; hoặc cầm cố, chiết khấu như một tài sản thế chấp tại ngân hàng. Trước đó một số NHTM cũng đã phát hành chứng chỉ vàng như: Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Phương Nam... Theo quy định hiện hành, người hưởng lãi từ chứng chỉ tiền gửi bằng vàng sẽ phải nộp thuế thu nhập là 5%/tổng tiền lãi.

Cafeland.vn - Theo DDDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland