16/01/2024 2:41 PM
Theo chương trình xúc tiến đầu tư vừa được phê duyệt, năm 2024 Lâm Đồng sẽ đặc biệt đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với một số nhà đầu tư lớn trong nước như Vingroup, Sungroup, Sovico, Hưng Thịnh, FLC, Bitexco, Becamex, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Him Lam,…

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 973 dự án còn hiệu lực đầu tư

Hơn 973 dự án còn hiệu lực đầu tư

Trong báo cáo tình hình thu hút, triển khai đầu tư dự án vốn ngoài ngân sách năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tính đến ngày 27/11, toàn tỉnh có 973 dự án đang còn hiệu lực đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 143.143 tỷ đồng, quy mô diện tích 104.614,4ha.

Trong đó, có 196 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, tổng vốn đăng ký đầu tư 53.332,2 tỷ đồng; 454 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tổng vốn đăng ký đầu tư 72.990,1 tỷ đồng; 323 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tổng vốn đăng ký đầu tư 16.819,8 tỷ đồng.

Trong 973 dự án nói trên, có 628 dự án hoàn thành toàn bộ đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vốn đăng ký đầu tư 52.449,2 tỷ đồng. Trong năm 2023 có 12 dự án hoàn thành toàn bộ đi vào hoạt động, vốn đầu tư thực hiện là 3.983 tỷ đồng

Bên cạnh đó, có 221 dự án đang triển khai thực hiện đầu tư, vốn đầu tư đăng ký là 55.060,6 tỷ đồng; ước số vốn đầu tư giải ngân trong năm 2023 khoảng 4.212,3 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 123 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, vốn đăng ký đầu tư 35.583,2 tỷ đồng.

UBND thành phố Đà Lạt cũng vừa báo cáo đánh giá kết quả, tình hình hoạt động đầu tư năm 2023 và kế hoạch thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách năm 2024 trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Trong báo cáo, UBND thành phố Đà Lạt cho biết, tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn thành phố có 205 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 35.311 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 4.731ha.

Trong đó, có 105 dự án đã hoàn thành toàn bộ đưa vào hoạt động, với tổng vốn đã đầu tư 8.838 tỷ đồng.

Đồng thời có 64 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng vốn đang thực hiện khoảng 14.270 tỷ đồng; 36 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư, với tổng vốn đang thực hiện khoảng 12.203 tỷ đồng.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận nhà đầu tư dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim gần 12.000 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với hàng loạt “ông lớn’’

Ngày 15/1/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024. Theo đó, Lâm Đồng phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành đô thị du lịch.

Tỉnh cũng thực hiện tốt cơ chế, chính sách về phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi cho phát triển du lịch.

Lâm Đồng đẩy mạnh phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch, nhất là tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, các công trình trọng điểm về du lịch (Khu du lịch Đankia - Suối Vàng, hồ Prenn, núi Sa Pung, hồ Đại Ninh) và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh,…

Trên lĩnh vực dịch vụ, tỉnh ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, như: dịch vụ ngân hàng, tài chính, thương mại; dịch vụ logistics, bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin - điện tử, du lịch, nông nghiệp, y tế, văn hoá, giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực dịch vụ khác.

Lâm Đồng khuyến khích mạnh thu hút FDI vào các ngành y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục và đào tạo, xây dựng một số trường đại học chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế,…

Địa phương này cũng định hướng thu hút đầu tư trung tâm thương mại cao cấp và các trung tâm thương mại - dịch vụ lớn, hiện đại tại các trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh. Thu hút đầu tư Trung tâm Hội nghị quốc tế tại thành phố Đà Lạt đáp ứng phục vụ nhu cầu tổ chức các hội nghị, hội thảo có quy mô lớn, có tính chất quan trọng của quốc gia, của các tập đoàn, tổ chức quốc tế.

Trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng, Lâm Đồng sẽ huy động nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm có tính chất kết nối liên vùng như: Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; các tuyến Quốc lộ 27 (đoạn K’Rông Nô - Phi Nôm), 55, 27C; khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang, Tháp Chàm - Đà Lạt, cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt; triển khai hệ thống logistics tại huyện Đức Trọng nhằm bảo quản và sơ chế nông sản phục vụ đường bộ và đường hàng không trong những năm tới.

Tỉnh cũng xây dựng phương án để kêu gọi đầu tư dự án đường cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); mở rộng, khai thác các tuyến bay nội địa, quốc tế đi đến Cảng hàng không Liên Khương; nâng cấp sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E;...

Trên lĩnh vực nhà ở, khu đô thị, Lâm Đồng thu hút các dự án khu dân cư, khu đô thị mới theo kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và hàng năm đã được phê duyệt; điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.

Về đối tác, năm 2024, Lâm Đồng sẽ đặc biệt đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đối với một số nhà đầu tư lớn trong nước như Vingroup, Sungroup, Sovico, Hưng Thịnh, FLC, Bitexco, Becamex, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Him Lam,…

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ và kết nối, cung cấp thông tin về các dự án, các lĩnh vực cho các nhà đầu tư đã và đang nghiên cứu, khảo sát đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng.

Đối với đối tác đầu tư nước ngoài, ngoài các đối tác truyền thống, tỉnh sẽ tập trung mời gọi, thu hút đầu tư từ các đối tác có tiềm lực tài chính, công nghệ cao, công nghệ sạch.

Song song với đó, tập trung thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA,…); ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.