CafeLand – Cho tới những ngày cuối cùng của năm 2015, câu chuyện tranh chấp chung cư vẫn đang là đề tài nóng hổi trên các mặt báo. Suốt năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp chung cư lớn nhỏ diễn ra khắp cả nước. Trong đó, có những cuộc tranh chấp đã dẫn tới đổ máu.

Tái diễn một căn hộ bán cho nhiều người

Sau chung cư Gia Phú (Thủ Đức) việc chủ đầu tư bán một căn hộ cho nhiều người lại diễn ra tại chung cư Long Phụng Residence.

Mới đây, hàng chục khách hàng đã mua căn hộ tại dự án Long Phụng Residence (đường số 1, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM) đã kéo đến khu vực dự án đòi chủ đầu tư là Công ty CP Địa ốc Bình Tân giao nhà vì đã trễ hạn gần 3 năm.

Không chỉ bị giao nhà trễ hẹn, khách hàng mua dự án này đang phải “điêu đứng” khi hay tin chủ đầu tư bán một căn hộ cùng lúc cho nhiều người khác nhau.

Theo phản ánh của khách hàng, họ đã nhiều lần liên lạc để gặp ông Huỳnh Văn Ánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Bình Tân để được giải quyết. Thế nhưng, họ đã không gặp được mà chỉ nghe thông tin vị này đang đi nước ngoài để “chữa bệnh”.

Cuộc chiến đổ máu tại chung cư 4S Riveside

Nhóm người lạ mặt cắt khóa và tấn công cư dân tại chung cư 4S.

“Cuộc chiến” giữa cư dân, ban quản trị và chủ đầu tư tại chung cư 4S (quận Thủ Đức) đã diễn ra âm ỉ suốt nhiều năm qua. Đó là những mâu thuẩn về diện tích sử dụng chung – riêng, phí bảo trì chung cư, cách làm việc của ban quản trị. Đỉnh điểm của mâu thuẫn này là vụ xung đột vừa mới xảy ra chiều ngày 11/12 khiến cư dân chảy máu đầu, nhập viện. Theo thông tin từ cư dân cho biết, vụ ẩu đã xảy ra khi họ phát hiện người của chủ đầu tư Công ty Thành Trường Lộc dẫn theo một nhóm người lạ đến cắt khóa cổng sau chung cư để thực hiện phá dỡ công trình xây dựng sai phép tại khu vực sân vườn. Tuy nhiên, do chưa thống nhất với cư dân nên các họ đã lên tiếng phản đối. Ngay lập tức một số người trong nhóm này đã dùng bình xịt hơi cay, và cả búa tạ để đuổi đánh cư dân. Vụ việc đã khiến cho một cư dân bị thương phải nhập viện. Theo nguồn tin từ công an Thủ Đức, đơn vị này sau đó đã tạm giữ nhóm người lạ mặt này để điều tra nguyên nhân vụ việc.

Khách hàng Petrolandmark tuyệt vọng đi đòi nhà

Hành trình đi đòi nhà của khách hàng tại dự án Petrolandmark đã kéo dài qua nhiều năm.

Trong năm 2015, cuộc chiến đòi nhà của hàng trăm khách hàng tại dự án PetroLandmark (quận 2) lại tiếp diễn. Được biết dự án này do Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí (PVC Land) làm chủ đầu tư. Đã nhiều năm qua, hàng trăm khách hàng lỡ mua căn hộ tại dự án phải “đội đơn” đi khắp nơi để yêu cầu chủ đầu tư giao nhà.

Được biết, rất nhiều khách hàng đã đóng tiền trên 95%, thậm chí có người đóng 102% để mua căn hộ PetroLandmark, nhưng 4 năm qua dự án nằm bất động. Phía chủ đầu tư không đưa ra được câu trả lời, nhiều lần né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Theo đại diện của chủ đầu tư, hiện dự án đã hoàn thành được khoảng 80%, để hoàn thành phần còn lại giao nhà cho khách hàng sẽ cần thêm khoảng hơn 200 tỷ đồng.

PetroLandmark là tổ hợp khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng. Dự án được xây dựng với 4 block căn hộ cao từ 17 – 21 tầng cung ứng khoảng 418 căn hộ. Theo hợp đồng, đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng thế nhưng đến nay dự án vẫn chỉ là những khối bê tông nằm phơi sương gió.

Nguy cơ mất phí bảo trì khủng, cư dân “kêu cứu” Thủ Tướng

Cuộc chiến đòi lại khoản phí bảo trì trên trăm tỷ của cư dân tại tòa nhà cao nhất Việt Nam vẫn chưa có hồi kết.

Hành trình đi “đòi” khoản phí bảo trì lên đến 160 tỷ đồng của cư dân tại tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Theo đó, cư dân tố chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina đã cố tình “giam” khoản phí bảo trì mà không giao lại cho ban quản trị quản lý. Được biết, dự án Keangnam được xây dựng từ năm 2008 đến 2011 được đưa vào sử dụng, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2 nên quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của ban quản trị khoảng 160 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng), trong khi phía chủ đầu tư Keangnam thông báo là 125 tỷ. Sau nhiều lần đại diện cư dân gửi đơn thư kiến nghị tới các cơ quan chức năng, chủ đầu tư Keangnam Vina đã cam kết sẽ trả số tiền bảo trì theo tiến độ mỗi tháng 20 tỷ đồng bắt đầu từ tháng 7/2015, và đồng ý thực hiện kiểm toán để xác minh tổng số tiền quỹ bảo trì. Tuy nhiên, chủ đầu tư không chuyển trả theo kế hoạch này.

Trước nguy cơ mất trắng khoản phí bảo trì này, các cư dân tại Keangnam đã đệ đơn lên Thủ tướng để cược “cứu xét”. Đến nay, câu chuyện này vẫn chưa có hồi kết.

Nguyễn Hùng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.