Được biết, với năng lực thép xây dựng cả nước hiện đã đạt 7,83 triệu tấn/năm, sản xuất và tiêu thụ thép năm 2011 sẽ ở mức khoảng 6 triệu tấn.
Để đáp ứng nhu cầu phôi thép cho sản xuất trong điều kiện Việt Nam đã chủ động được khoảng 6 triệu tấn phôi, sản lượng phôi thép nhập khẩu năm 2011 sẽ dao động quanh 2 triệu tấn.
Vì thế, theo dự báo của các lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam, thị trường thép năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2010.
Giá thép có thể tăng do phải chịu nhiều áp lực - Ảnh: nguồn internet.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép năm 2011 dự báo sẽ tăng do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, hai nguyên liệu cơ bản của sản xuất thép là than mỡ và quặng sắt trên thế giới đã tăng rất cao ngay từ cuối tháng 12/2010 do chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước độc quyền về quặng và than mỡ như Brazil, Australia, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc. Thứ hai, giá thép phế thế giới cũng đã tăng thêm 100 USD/tấn từ tháng 1/1/2011. Do đó, bên cạnh chi phí đầu vào tăng, giá thành sản xuất thép trong nước chắc chắn sẽ còn biến động bởi các yếu tố khác như tỷ giá USD/VNĐ, lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2011.
Cũng theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngành thép sẽ chịu nhiều áp lực lớn cũng như một số khó khăn trong năm 2011 này. Bởi ngành thép đã phải thường xuyên chịu áp lực từ thép nhập khẩu có giá khá cạnh tranh từ Trung Quốc và các nước ASEAN.
Bên cạnh đó là nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng năm 2011 có thể xảy ra trong mùa khô, việc tiếp cận ngoại tệ khó khăn dẫn đến khó nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Nếu tình hình cung cấp điện trong năm không đảm bảo, sản lượng phôi thép sẽ bị sụt giảm sản. Khi đó, các doanh nghiệp thép buộc phải nhập khẩu thêm phôi thép để đáp ứng nhu cầu thép trong nước. Đặc biệt, năm 2011, một số dự án mới về thép đi vào sản xuất làm sự mất cân đối cung-cầu ngày càng lớn, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt giữa các thành phần kinh tế trong nước, nhất là đối với sản phẩm thép xây dựng.