23/07/2020 8:57 PM
CafeLand - Sau khi Trung Quốc đưa ra luật an ninh mới gây tranh cãi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh chấm dứt đối xử ưu đãi kinh tế đối với lãnh thổ này. Tương lai kinh tế của Hong Kong rồi sẽ ra sao?

Hong Kong từ lâu đã là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới, mải mê với chính sách cởi mở. Hong Kong cũng đã bao phen hồi phục sau những đợt khủng hoảng, nhưng luật an ninh mới của Trung Quốc dường như sẽ tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế của lãnh thổ này.

Từ giờ trở đi, Hong Kong sẽ được đối xử "giống như Trung Quốc đại lục", Tổng thống Donald Trump nói khi ông đặt bút ký lệnh hủy bỏ các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong.

Mỹ cho rằng luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh làm suy yếu các quyền tự do mà Hong Kong được hưởng từ năm 1984, khi Trung Quốc và Anh đồng ý về các điều khoản để trao trả Hong Kong. Chủ quyền đã được trả lại cho Bắc Kinh vào năm 1997 và mức độ tự chủ cao được đảm bảo cho đến năm 2047.

"Giống như luật dẫn độ năm ngoái, luật an ninh quốc gia làm cho những người giàu có ở Hong Kong lo lắng. Họ là những nhà đầu tư địa phương, giới thượng lưu Trung Quốc đại lục và những người nước ngoài khác”, Ho-Fung Hung, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, nói với DW, và tin rằng những người này sẽ di chuyển vốn của họ ra nước ngoài.

"Tất nhiên, trong ngắn hạn, chúng ta có thể không thấy luồng vốn dịch chuyển lớn từ Hong Kong. Về lâu dài, luật an ninh quốc gia sẽ thay đổi môi trường kinh doanh và pháp lý ở Hong Kong tồi tệ hơn", ông nói.

Doanh nghiệp lo lắng

Các công ty đã bị Trung Quốc chỉ trích vì thúc đẩy chủ nghĩa ly khai và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, trong số đó có các hãng hàng không, khi ra lệnh phân biệt Trung Quốc/Hong Kong/Đài Loan trong danh sách điểm đến của họ.

"Những điều này sẽ bị truy tố theo luật an ninh quốc gia", ông Hung nói. Luật pháp đang tác động lên tâm lý nhà đầu tư lớn, những người đã là nền tảng cho sự thịnh vượng của Hong Kong.

Người dùng phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc đang xa lánh các nhà đầu tư bị cáo buộc chống chính phủ. Tỷ phú bất động sản Joseph Lau Luen-hung đã lên phương tiện truyền thông địa phương để bác bỏ cáo buộc rằng ông và vợ là những người ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ.

Alvin Chau Cheok-wa, Giám đốc điều hành của Suncity Group, một nhà điều hành sòng bạc lớn ở Macau, cũng phủ nhận ông đang trợ cấp cho những người biểu tình dân chủ thông qua bọn tội phạm có tổ chức.

Người nước ngoài cũng sợ

Có 9.000 công ty nước ngoài ở Hong Kong, 1.300 trong số họ đến từ Mỹ. Bất ổn chính trị trong nửa cuối năm 2019 đã chứng kiến Hong Kong rơi vào suy thoái. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lãnh thổ này đã giảm 47% trong năm ngoái xuống còn 55 tỉ USD.

Luật an ninh mới đã khiến cuộc sống trở nên phức tạp hơn đối với hàng ngàn công ty nước ngoài vốn đang lấp đầy các tòa nhà văn phòng cao cấp ở Hong Kong

Ba phần tư các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Hong Kong đang lo lắng về luật an ninh quốc gia. Nỗi sợ hãi lớn của họ là sự mơ hồ của luật pháp. Liệu nền tư pháp độc lập nổi tiếng của Hong Kong có bị nguy hiểm hay không và liệu vị thế của một trung tâm kinh doanh quốc tế có bị đe dọa hay không?

"Một trong những điều tốt nhất về Hong Kong, một trong những điều làm cho việc kinh doanh trở nên tuyệt vời, là nó ở giữa mọi thứ. Đó là một thành phố tuyệt vời để kết nối. Bây giờ, kết nối không còn dễ dàng nữa kể từ khi luật an ninh quốc gia được thông qua”, Tara Joseph, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông, nói với Bloomberg.

Theo một cuộc thăm dò của phòng này, hơn một phần ba các doanh nghiệp Mỹ đang lên kế hoạch di chuyển vốn, tài sản hoặc hoạt động bên ngoài Hong Kong.

Lĩnh vực công nghệ chịu tác động đầu tiên

Một khi luật được ký, các nhà quan sát đang theo dõi để xem nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào. Công nghệ là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng.

Google, Facebook và Twitter đã ngừng cung cấp các đơn đặt hàng của chính phủ Hong Kong cho người dùng dữ liệu trong nước khi họ phải xem xét luật mới có nghĩa là gì. Ngay cả TikTok, thuộc sở hữu của gã khổng lồ Byte Dance của Trung Quốc, cũng đã rút ứng dụng khỏi các cửa hàng Hong Kong và khiến ứng dụng không thể hoạt động với người dùng hiện tại.

Đáp lại luật an ninh mới, The New York Times đang chuyển một số nhân viên của mình ra khỏi Hong Kong tới Seoul, Hàn Quốc

Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, thông tin tờ The New York Times đang chuyển đội kỹ thuật số từ văn phòng Hong Kong sang Seoul, Hàn Quốc. Đội ngũ kỹ thuật số thuộc tờ báo này chiếm khoảng một phần ba lượng người làm ở văn phòng Hong Kong.

Bỏ phiếu bằng chân

Người Hong Kong sẽ bỏ phiếu bằng chân (phản đối bằng cách dời đi)? Một cuộc khảo sát của tạp chí Chính sách đối ngoại với 890 công dân Hong Kong cho thấy khoảng một nửa đã cân nhắc việc di cư khỏi Hong Kong vì luật pháp.

Lựa chọn đầu tiên cho gần một phần ba số người được hỏi là người hàng xóm dân chủ của Hong Kong, Đài Loan, từ lâu đã đấu tranh có hệ thống với Bắc Kinh và đã mở một văn phòng mới để giúp chạy trốn khỏi Hong Kong.

Mặc dù Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã chấp thuận cho 3 triệu người từ Hong Kong đến Anh và nộp đơn xin quốc tịch, nhưng chỉ 10% những người quan tâm đến việc di cư xếp Anh là lựa chọn đầu tiên của họ. Canada và Úc được xem là điểm đến phù hợp hơn.

Hàng xa xỉ gặp khó khăn

Trong nhiều năm, Hong Kong là thủ đô mua sắm xa xỉ của châu Á, nhưng nó đã bị hủy hoại bởi một loạt các sự kiện, từ các cuộc biểu tình dân chủ năm ngoái đến Covid-19 và bây giờ là luật an ninh mới.

Người mua hàng chờ đợi bên ngoài cửa hàng Chanel ở Hong Kong trước khi có lệnh đóng cửa vì virus corona

Thị trường xa xỉ của Trung Quốc đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhưng người mua hàng không nhìn vào Hong Kong. Thay vào đó, ngành bán lẻ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ đại lục.

Có tới 90% sự tăng trưởng trong doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu năm ngoái đến từ Trung Quốc, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Bain. Các thương hiệu như Louis Vuitton, Gucci, Cartier, Chanel và Dior đã chứng kiến doanh số tăng 40-90% vào đầu tháng Sáu.

Nhà tư vấn McKinsey ước tính tầng lớp trung lưu của Trung Quốc vào khoảng 550 triệu người, một con số đáng kinh ngạc và nhiều hơn toàn bộ dân số Mỹ. Trung Quốc vẫn bám sát Mỹ về sức mua bình quân đầu người.

Ngành tài chính không lo lắng

Lĩnh vực dịch vụ tài chính sẽ hoạt động tốt. Trong khi vị trí của Hong Kong là cửa ngõ vào châu Á có thể được thay thế bởi những nơi như Singapore hoặc thậm chí là Đài Bắc, thì vai trò của nó như là một cửa ngõ vào Trung Quốc được củng cố.

Mỹ đang siết chặt các ốc vít đối với các công ty nước ngoài được niêm yết ở New York, vốn từ lâu đã thích sự giám sát ít hơn so với các cổ phiếu niêm yết trong nước. Các công ty Trung Quốc đang chuyển sang thị trường Hong Kong sau khi Thượng viện Mỹ thắt chặt các quy tắc đối với các công ty đại lục.

Yum China, nhà điều hành Pizza Hut và KFC ở đại lục, đã nộp đơn niêm yết trị giá 2 tỉ USD tại Hong Kong trong khi đơn vị giao hàng ZTO Express của Alibaba cũng đang cân nhắc bán cổ phần trong lãnh thổ.

Thời gian tới, hai công ty sẽ gia nhập Tập đoàn Alibaba Group là nhà phát triển trò chơi NetEase và nhà bán lẻ trực tuyến JD.com trên Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Họ đã huy động được 20 tỉ USD tích lũy thông qua các thị trường chứng khoán thứ cấp ở Hong Kong kể từ tháng 11 năm ngoái.

Trong một bài viết trên Tạp chí Harvard Business Review , J. Stewart Black và Allen J. Morrison cho biết những diễn biến gần đây ở Hong Kong gây ra những mối đe dọa đáng kể cho các công ty nước ngoài hoạt động tại đây. Bài viết nêu lý do tại sao các công ty nước ngoài lại ở Hong Kong – sự hấp dẫn chỉ dành cho thị trường Hong Kong, cho thị trường Trung Quốc hay cho toàn châu Á?

Mặc dù tin rằng các công ty sẽ cẩn thận để bảo vệ người của mình, họ đang xem xét các tình huống tiềm năng và có lựa chọn phù hợp trong trường hợp phải di chuyển, nhưng họ vẫn lạc quan về tình hình.

"Rốt cuộc, Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Hồng Kông về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn chủ sở hữu và vốn nợ và ngoại hối - và liệu những lợi ích đó sẽ khiến các nhà lãnh đạo của họ không đi quá xa với việc thực thi an ninh luật pháp?"các tác giả đã viết.

Đỗ Hương (DW)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.