23/10/2013 8:58 PM
Phương án người mua nhà đóng tiền “giải cứu” dự án căn hộ chậm tiến độ do thiếu vốn từng được nhiều người kì vọng thì nay lại bộc lộ một số vướng mắc từ nhà đầu tư và người mua nhà.

Phần lớn dự án chậm tiến độ do thiếu vốn - Ảnh: Trung Hiếu

Chủ đầu tư “đổi ý”

Sau nhiều lần trễ hẹn giao nhà do thiếu vốn, mới đây chủ đầu tư dự án căn hộ Mỹ Phú, quận 7 (TP.HCM) là Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) đã đạt được thỏa thuận với khách hàng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo đó, sẽ có một ngân hàng cho Petroland vay tiền để tiếp tục triển khai dự án. Đổi lại, ngân hàng sẽ đứng ra thu 30% trị giá căn hộ còn lại mà khách hàng đóng. Ngân hàng này cũng sẽ đứng ra tìm kiếm nhà thầu mới tiếp tục hoàn thành dự án.

Ngoài ra, mọi tiến độ dự án thay vì giao cho chủ đầu tư như trước đây thì nay phải thông qua sự giám sát của ngân hàng và người mua nhà.

Sau thời gian ngưng trệ, nhiều khách mua nhà dự án Mỹ Phú xem phương án này là giải pháp để sớm có nhà để ở. Tuy nhiên, sự thất vọng của khách mua nhà ngày càng gia tăng khi Petroland không hề triển khai theo kế hoạch.

Đến ngày 22.10, sau thời gian chờ đợi, khách mua nhà dự án Mỹ Phú lại lần thứ sáu kéo đến trụ sở của Petroland gây áp lực với chủ đầu tư đòi nhà.

Ông Vũ Khắc Hảo, đại diện nhóm khách hàng mua nhà Mỹ Phú cho hay những tưởng phía gây khó dễ phải là khách hàng bởi trước đó họ bị chủ đầu tư "khất" nhiều lần rồi. Nhưng khi phần đông khách hàng đồng ý phương án “đóng tiền cứu dự án” thì phía chủ đầu tư lại “đổi ý” với lý do “tìm kiếm một ngân hàng khác thay thế”.

“Nhiều người mua nhà phải đi vay tiền để đóng tiền đúng tiến độ mà chủ đầu tư đưa ra trước. Thậm chí do tin tưởng thời gian giao nhà đúng hẹn, có người hơn một năm qua phải đi thuê nhà để ở. Thế mà giờ đây khi đạt được thỏa thuận khả thi thì chủ đầu tư không chịu”, ông Hảo nói.

Kẻ đóng người không

Mỹ Phú không phải là dự án duy nhất cần đóng thêm tiền để triển khai. Một số dự án như Đại Thành ở Tân Phú (TP.HCM), Usilk City ở Hà Đông (Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng tương tự và cần có sự “trợ giúp” từ phía người mua nhà để hoàn thành dự án.

Với dự án căn hộ Đại Thành, đến nay khó khăn lớn nhất lại xuất phát từ phía người mua nhà. Theo đó, sau khi phương án “đóng tiền cứu chủ đầu tư” được đưa ra với sự giám sát của ngân hàng và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, đến nay mới có khoảng 70 trên tổng số 150 hộ chịu đóng tiền.

Theo một cư dân nằm trong ban giám sát dự án Đại Thành, đến nay số tiền người mua nhà chịu đóng mới chỉ 2 tỉ đồng, trong khi vốn cần cho thi công giai đoạn một lên tới 10 tỉ đồng.

Từ đây đến khi hoàn thành, dự kiến dự án Đại Thành sẽ trải qua bảy giai đoạn thi công. Ngân hàng và người mua nhà sẽ dựa vào tiến độ thi công của chủ đâu tư để giải ngân.

“Cái cần nhất của dự án Đại Thành là người mua nhà phải đồng lòng đóng tiền để chủ đầu tư có vốn tiếp tục thi công dự án. Nhưng cái khó hiện nay là người mua nhà trong dự án chưa tìm được tiếng nói chung trong việc đóng tiền”, vị giám sát dự án Đại Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), cho biết hầu hết các dự án bất động sản ở TP.HCM đều gặp tình trạng thiếu vốn nhưng chỉ có khoảng 20-30% dự án có khả năng cứu được.

Tuy nhiên, vị phó chủ tịch Horea cho hay muốn việc “cứu” dự án khả thi thì nhà đầu tư, khách hàng và ngân hàng cùng ngồi lại phân tích cụ thể những vấn đề liên quan đến dự án.

“Cụ thể nhất là dự án đã bán được bao nhiêu? Nếu bán được 80-90% thì khả năng còn cứu được chứ mới bán 40-50% dự án thì rất khó cứu”, ông Đực nói.

Ngoài ra, các bên cũng cần làm rõ chủ đầu tư còn bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, muốn hoàn thiện công trình cần bao nhiêu tiền, khả năng khách hàng đóng được bao nhiêu... để có phương án khả thi nhất.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng đóng tiền cứu dự án được coi là phương án khả thi trong lúc chủ đầu tư thiếu vốn nhưng do phải hài hòa lợi ích từ nhiều phía nên để triển khai thành công phương án không hề đơn giản.
Đình Quân (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.