Chiêu mượn danh ngân hàng thanh lý tài sản bất động sản đang diễn ra rầm rộ tại Hà Nội và TP.HCM. Không chỉ gọi điện quảng cáo mà hình thức này đang diễn ra một cách công khai ngay.

Môi giới lấy danh nghĩa ngân hàng thanh lý tài sản để dễ tạo niềm tin cho người mua

Thực chất, ngân hàng vẫn có đất thanh lý, tuy nhiên đó là những lô đất có sổ rõ ràng, do cá nhân hay doanh nghiệp cầm cố, không có khả năng trả nợ mới phát mãi thanh lý. Tuy nhiên, những lô đất thanh lý thực sự rất ít, khi phát mãi thanh lý thì ngân hàng sẽ đăng tải công khai trên website của ngân hàng, trên các phương tiện truyền thông và thực hiện đấu giá chứ không thông qua môi giới nhà đất, thông tin qua các tờ rơi, pano treo, dán ngoài đường.

Thông thường, bất động sản ngân hàng thẩm định cho vay đều có hồ sơ pháp lý vững chắc và đầy đủ. Bởi lẽ, quy chế của ngành tài chính đòi hỏi mọi thủ tục phải chặt chẽ, minh bạch, thậm chí có hẳn chứng thư thẩm định giá tài sản này.

Khi tiến hành thanh lý tài sản (có thể hiểu là quy trình thu hồi nợ), ngân hàng có thứ tự ưu tiên rất rõ ràng. Nhóm ưu tiên một là chủ nhà đất. Gia chủ được thông báo về việc thanh toán nợ hoặc tất toán trước tiên. Trong trường hợp nợ quá hạn nhiều lần nhắc nhở, ngân hàng tính lãi, giảm lãi và đặc biệt vẫn ưu tiên cho khách vay mua lại (hoặc tự tìm cách thanh lý).

Trường hợp xấu nhất khách vay không có khả năng thanh toán, ngân hàng tiến hành các bước theo quy trình phát mãi tài sản (khởi kiện, định giá lại, đấu giá, thi hành án ...), tuy nhiên thường thì vẫn ưu tiên cho khách vay. Mục đích cuối cùng của các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản bảo đảm cũng chỉ mong thu hồi được khoản nợ đã cho vay.

Có thể các môi giới họ lấy danh nghĩa ngân hàng thanh lý tài sản để dễ tạo niềm tin cho người mua. Hơn thế, người mua sẽ nghĩ rằng ngân hàng thanh lý sẽ có giá tốt hơn, về mặt pháp lý cũng yên tâm hơn.

Nhưng thực tế, những người bán lại lợi dụng vào những lý do trên để bán các thửa đất có khi là không rõ ràng về pháp lý, đang xảy ra tranh chấp và cuối cùng người mua lại là người phải chịu rủi ro.

Đơn cử như trong trường hợp mua phải đất đang tranh chấp, Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất”.

Theo quy định pháp luật điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và còn trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, khi người mua mua phải một mảnh đất đang tranh chấp thì sẽ không thể thực hiện thủ tục sang tên được mà phải chờ giải quyết xong tranh chấp. Thời gian giải quyết tranh chấp trên nhanh hay chậm phụ thuộc vào các tình tiết thực tế của tranh chấp trên.

Thiết nghĩ, người mua nhà đất cần thận trọng trước những thông tin quảng cáo bán tài sản thanh lý ngân hàng qua tờ rơi và panô quảng cáo trôi nổi. Kiểm tra kỹ tính pháp lý của bất động sản trước khi mua, đừng vì ham rẻ mà tiền mất tật mang.

Nguyễn Thanh Hà (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.