Với “quy chế đặc khu” có thể sớm được trao trong thời gian gần đây, Phú Quốc đang hấp dẫn những dự án tỷ đô. Thống kê của Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc cho thấy, chỉ trong tháng 7-2014, đơn vị này đã trình UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án với diện tích 43,44ha; cấp mới 6 giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 180ha với vốn đầu tư 6.645 tỷ đồng; điều chỉnh 4 giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi 7 dự án có tổng diện tích 104,64ha...
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay Phú Quốc đã thu hút 200 dự án đầu tư với tổng diện tích 8.768ha. Trong đó, 112 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 4.850ha với tổng vốn đầu tư hơn 135.000 tỷ đồng; 18 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 6.849 tỷ đồng; 16 dự án đang triển khai xây dựng và các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Đáng chú ý là các công trình như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc (đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng hiện đại nhất); cảng biển quốc tế An Thới; đường cáp ngầm 110 kV xuyên biển từ đất liền ra đảo… Hệ thống đường giao thông trục Bắc - Nam và đường quanh đảo đang được gấp rút hoàn thành; cùng với đó tất nhiên là hàng loạt dự án khách sạn cao cấp…
Mừng cho Phú Quốc, tất nhiên rồi! Nhưng những thông tin dồn dập về các dự án (dù cho đến nay tiến độ triển khai còn khá chậm) cũng làm người ta không khỏi lo âu: liệu Phú Quốc có phát triển quá “nóng”, đánh mất nét duyên riêng có và làm xáo trộn cuộc sống của những người dân địa phương chân chất nơi đây - vốn cũng là một “đặc sản du lịch” vô cùng quý báu? Những “vết xe” của Tam Đảo, Trà Cổ, Đồ Sơn, Cửa Lò… còn đó!
Còn nhớ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, năm 2007 - khi ấy còn là Phó Thủ tướng Chính phủ, đã thốt lên tại một hội nghị của ngành du lịch, rằng, “quy hoạch Tam Đảo thật lộn xộn, như một mớ bòng bong” và “khu Tam Đảo mới sẽ phải rút kinh nghiệm sâu sắc”. Đó là hệ quả của việc quy hoạch “chạy theo sau dự án”. Thêm vào đó, năng lực hấp thụ vốn đầu tư của một nước, một địa phương là có hạn, bất kể những lời hứa hẹn, đăng ký có hấp dẫn đến đâu. Tình hình triển khai các dự án ở Phú Quốc chưa đạt tiến độ mong muốn cũng là một dấu hiệu không thể không để tâm suy xét.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Nghị đã khẳng định, xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc phải đảm bảo mục tiêu bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ rừng Phú Quốc. Mong rằng quan điểm này được thực hiện xuyên suốt ngay từ khâu lập quy hoạch cho đến quản lý, triển khai trên thực tế.
Đất nước ta có trên 3.260km bờ biển với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 130 bãi biển đẹp, có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy thế, cả nước mới có trên dưới 30 bãi biển và 10 hòn đảo được đầu tư, khai thác phục vụ du lịch. Phú Quốc, một khi được quy hoạch và đầu tư phát triển bài bản, sẽ không chỉ đem lại cho Việt Nam một “đảo ngọc” mà còn là một mô hình tốt để nhân rộng thành công.