Doanh nghiệp bất động sản đói vốn, phá sản vì thiếu vốn... đã rõ.
Nhưng được vay vốn lúc này cũng khó giúp họ khỏe lên. Bởi căn bệnh lớn
nhất của thị trường bất động sản trong mấy năm vừa qua là vấn đề thiếu
thanh khoản, không bán được hàng chứ chưa hẳn là vốn đầu tư. Không bán
được hàng thì không trả được nợ gốc trong khi lãi vay thì mỗi năm mỗi
cao, đã đẩy họ đến việc phá sản hoặc gắng gượng cầm cự. Nên giờ có vay
được vốn, cũng khó cứu được họ. Thậm chí còn có nguy cơ số vốn vay mới
này sẽ được dùng để đảo nợ.
Như vậy, giải pháp "chìa khóa" cho thị trường bất động sản nằm ở phía cầu. Thực ra, NHNN cũng "nhìn" ra được điều này khi "nới" thêm đối tượng được vay mua bất động sản. Cụ thể, trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, nay cho vay mua nhà để đầu cơ, đầu tư, để bán, để cho thuê; tương tự là cho vay xây dựng nhà để ở, để bán, cho thuê... Vay được nhưng vấn đề là người dân có vay hay không. Mà mấu chốt của việc này phụ thuộc vào lãi vay. Với lãi suất (ls) cho vay phi sản xuất cao như hiện nay trong khi "ánh sáng" của thị trường bất động sản thì chưa thấy, có thể khẳng định chắc chắn là rất ít người dám mạo hiểm dù nhu cầu thực sự về nhà ở vẫn rất cao. Nói như vậy để thấy, việc nới tín dụng cả về cung và cầu không nhiều lạc quan như chúng ta tưởng.
Vấn đề đáng lo ngại hơn trong việc nới tín dụng bất động sản là tiềm
ẩn nhiều rủi ro thanh khoản cho chính các NH, đặc biệt là các NH nhỏ.
Thực ra ở các NH lớn, việc nới tín dụng bất động sản (loại bỏ một số đối
tượng ra khỏi danh sách hạn chế cho vay phi sản xuất trước đây thì tín
dụng cho bất động sản tăng lên dù dư nợ vẫn là 16%) không có nghĩa gì
nhiều vì "room" (dư nợ cho vay bất động sản) của họ vẫn còn. Nhưng với
các NH nhỏ, đã hết "room" thì tất nhiên, sẽ lao vào cho vay. Khi bài
toán đầu ra của thị trường bất động sản chưa giải quyết được thì việc đổ
thêm vốn vào đây sẽ dẫn đến một kết cục tất yếu, NH mất thanh khoản,
thiếu vốn. Thiếu vốn thì phải tăng LS để cạnh tranh huy động. Có thể
"đường đua" LS lại được mở ra. Hậu quả của các cuộc đua LS thì chúng ta
đã chứng kiến, đó là LS tăng cao, doanh nghiệp phá sản, kinh tế khó
khăn.
Đã có chính sách cho thị trường bất động sản nhưng rõ ràng, thị trường này không hưởng lợi nhiều bởi vấn đề cốt lõi là LS chưa được giải quyết. Nhưng các chính sách này, lại có tác dụng gỡ khó cho NH đang thừa vốn (tăng trưởng tín dụng quý 1 âm); nợ xấu bất động sản gia tăng... Thực chất, đây vẫn là câu chuyện của các NH. Thế mới nói, mừng ít lo nhiều.