04/08/2010 9:38 AM
Kỷ lục mới của vàng phát ra thông điệp gì về động thái của nhà đầu tư quốc tế trên thị trường tài chính hiện nay?
Mức giá kỷ lục mới của vàng nói lên điều gì?

Trong tuần qua một lần nữa giá vàng phá vỡ mức kỷ lục trong lịch sử và đang kích thích một loạt dự báo giá vàng sẽ còn vượt lên những mức kỷ lục mới. Kỷ lục mới lần này của vàng phát ra thông điệp gì về động thái của nhà đầu tư quốc tế trên thị trường tài chính hiện nay?

Tâm lý lo sợ rủi ro trở lại và tăng sở hữu vàng trong danh mục đầu tư

Giá vàng sẽ không thể tăng cao nếu không có một lượng tiền lớn đổ vào mua vàng. Diễn biến tăng qua mức đỉnh cũ của giá vàng trong tuần qua phản ánh một thực tế nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang gia tăng sở hữu vàng trong danh mục đầu tư của mình.

Trong bối cảnh hồi phục kinh tế, tuy vẫn đang diễn ra nhưng có phần chậm đi và nhiều người đang lo ngại về khả năng diễn ra một đợt suy thoái đáy kép, các nhà đầu tư sẽ phải tìm cách cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình theo hướng giảm sở hữu các tài sản có rủi ro cao hơn như cổ phiếu, đồng thời tăng tỷ trọng các tài sản đầu tư an toàn để tránh thua lỗ nếu điều này thật sự diễn ra. Nói ngắn gọn, tâm lý lo sợ rủi ro đang trở lại và người ta đang tăng sở hữu vàng trong danh mục đầu tư.

Trong số các lựa chọn an toàn của nhà đầu tư quốc tế, vàng hiện nay tỏ ra hấp dẫn hơn hẳn so với trái phiếu (một vài loại trái phiếu được xem là an toàn như trái phiếu chính phủ của Mỹ có mức lợi suất gần như là 0%). Đặc điểm hấp dẫn nhất của vàng trong lúc này là vàng đang tỏ ra “kiếm ra tiền” cho nhà đầu tư.

Nhiều quan điểm của các nhà phân tích tài chính ở các trung tâm giao dịch lớn ở Mỹ và châu Âu cho rằng nhà đầu tư đang có xu thế sở hữu những khoản đầu tư không cần phải mang lại lợi nhuận lớn nhưng không có rủi ro thua lỗ lớn.

Với tâm lý các nhà đầu tư như vậy, có vẻ lúc này là thời điểm thích hợp để các nhà tư vấn tài chính và quản lý tài sản khuyến khích khách hàng của mình giữ một tỷ trọng vàng lớn trong danh mục đầu tư.

Với bối cảnh thị trường hiện nay, các nhà tư vấn tài chính có nhiều lý do an toàn (cho sự nghiệp của họ) để thuyết phục nhà đầu tư giữ vàng: chính phủ nhiều nước đang gặp rắc rối về nợ công, các đồng tiền dự trữ chính mất dần độ tin cậy sau khi nhiều chính phủ áp dụng nới lỏng tiền tệ (trong đó có những biện pháp giống như in tiền) trong năm vừa qua, rủi ro suy thoái đáy kép, xung đột chính trị căng thẳng ở một số nước...

Bên cạnh đó, những yếu tố phân tích kỹ thuật cũng góp phần ủng hộ giá vàng khi các mức cản kỹ thuật bị phá vỡ và các chỉ số kỹ thuật cho thấy động lực tăng của giá vàng sau khi phá vỡ mốc 1.250 đô la Mỹ/ounce là khá mạnh (đến nay rõ ràng đã đạt một mức giá cao mới). Hiện nay nhiều nhà phân tích đã nói đến các mốc 1.300, 1.380 thậm chí 1.500 đô la Mỹ/ounce trong phát biểu của mình.

Nhìn ở góc độ ngược lại, thật khó để các nhà tư vấn tài chính bảo rằng “không nên giữ vàng, giá quá cao rồi”. Nếu nhà tư vấn tài chính không tư vấn khách hàng giữ vàng trong khi các đối thủ đều làm vậy, và nếu vàng tiếp tục tăng giá nhiều, sự nghiệp của nhà tư vấn đó sẽ bị đe dọa.

Thậm chí nếu nhà tư vấn cố gắng tỏ ra độc lập với số đông để tư vấn không nên giữ vàng, thì khách hàng của ông ta cũng có thể nói “ông tư vấn ở văn phòng đối diện bảo tôi nên giữ vàng, tôi thấy báo chí cũng đăng nhiều tin xấu, vậy tôi nghĩ tôi nên giữ vàng”, lúc này nhà tư vấn có nguy cơ mất khách hàng về tay đối thủ.

Không phải nhà tư vấn nào cũng thích “chơi trội” so với số đông đồng nghiệp còn lại trong bối cảnh không rõ ràng như hiện nay, do đó nhiều người trong số họ sẽ chọn hành động giống số đông đồng nghiệp khác là tư vấn khách hàng nên gia tăng giữ vàng trong danh mục đầu tư. Nếu họ có sai, cũng sẽ được xem như sai lầm phổ biến của số đông và dễ được tha thứ theo kiểu “ai mà ngờ...”.

Tình trạng chạy theo số đông này là một hiện tượng thường thấy trên Wall Street, Reuters có đăng một bài báo phê phán lối hành xử mà họ gọi là “group-think disease” này (tạm dịch là “bệnh chạy theo lối suy nghĩ của số đông”). Tuy nhiên trong những điều kiện nhiều rủi ro như hiện nay, suy nghĩ giống với số đông có lẽ là chiến lược tư vấn an toàn.

Lối suy nghĩ giống với số đông hiện nay là kết quả của tâm lý lo sợ xảy ra suy thoái đáy kép, giống như nhiều người tranh nhau chen lên một chuyến tàu cao tốc giá vàng được dự đoán là sẽ lao về mức 1.300 đô la Mỹ/ounce hay hơn nữa, họ tránh bị kẹt trên chuyến tàu cổ phiếu đang bị nghi ngờ là sẽ quay trở lại các đáy cũ.

Trong số những người leo lên chuyến tàu này có những nhà đầu tư lớn, quỹ đầu tư lớn, công ty quản lý tài sản lớn và các ngân hàng trung ương. Điều này tạm thời tạo ra một hiệu ứng “dự đoán tự trở thành sự thật” (self-fulfilling prophecy), nghĩa là ai cũng đoán giá vàng còn tăng (vì nghe chuyên gia tư vấn, vì tự đoán như vậy...) rồi cùng nhau lao vào mua và làm giá vàng tăng thật.

Đầu tư vào vàng: không phải mua vào bằng mọi giá

Xu thế tăng kỹ thuật của vàng và các yếu tố cơ bản hiện nay cho thấy khó mà cưỡng lại được đợt tăng giá vàng đang diễn ra và các nhà phân tích sẽ không mau chóng quay ngoắt 180 độ để bảo rằng vàng sẽ đổ dốc lại về dưới 1.000 đô la Mỹ chỉ sau vài ngày. Nhưng cần nhớ, vài tháng trước vẫn còn không ít dự đoán vàng sẽ trở lại 800 đô la Mỹ hoặc thấp hơn trong năm nay.

Yếu tố thị trường thay đổi nhanh và nhà đầu tư vàng trên thị trường quốc tế cũng vậy. Một ví dụ đơn giản, chỉ cần một vài chỉ số chứng khoán chính hình thành xu thế tăng mạnh và các thị trường châu Á “hưởng ứng” nhiệt tình trong vài tuần tới, người ta sẽ nhanh chóng bảo rằng “sự tham lam đang trở lại”, nhà đầu tư sẽ quay lại tài sản có rủi ro và tạo thành một xu thế bán vàng mua cổ phiếu mới.

Vì vậy, có thể thấy trong bối cảnh nhiều quốc gia có các đồng tiền dự trữ chính như Anh, Mỹ, Nhật, khối đồng euro đang gặp rắc rối với chính sách tài chính công và nới lỏng tiền tệ của mình, sở hữu vàng trong danh mục đầu tư và tiết kiệm sẽ hợp lý hơn.

Nhưng nếu mua vàng bằng mọi giá chỉ vì người ta nói “vàng còn lên nữa” thì cần cẩn thận. Chỉ vì sợ chậm chân mà mua vàng lúc giá đang cao bất chấp mọi rủi ro không khéo sẽ mang lấy “rủi ro của kẻ đến sau”. Khi các quỹ đầu tư lớn mua vàng sẽ tạo hiệu ứng kéo giá vàng tăng mạnh.

Nhưng nếu họ chốt lời hay đổi cơ cấu danh mục sang giữ nhiều cổ phiếu hơn và bán bớt vàng ra thì sẽ tạo ra những đợt giảm giá nhanh bất ngờ. Quan trọng là khó biết được khi nào tâm lý thị trường sẽ thay đổi và khi nào các nhà đầu tư lớn sẽ bán vàng.

Do đó, nếu muốn mua vàng như một công cụ tích trữ tài sản để phòng ngừa lạm phát cao và sự mất giá của đồng tiền, tại sao không kiên nhẫn chờ mua khi giá vàng giảm lại ở mức thấp? Kinh nghiệm cho thấy sau nhiều đợt bứt phá ra khỏi các mức giá cao kỷ lục trong vài năm gần đây, giá vàng thường có những đợt điều chỉnh giảm trở lại và tạo ra nhiều cơ hội mua vào tốt hơn.

Cafeland.vn
theo TBKTSG

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.