19/06/2012 7:49 AM
Câu hỏi lớn nhất lúc này là: Nguồn tiền 100.000 tỷ đồng của công ty nợ xấu sẽ do ai chi trả? Và quan trọng hơn hết, tại sao lại đề xuất một khoản tiền lớn đến như vậy để cứu các ngân hàng?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã bàn thảo về việc xây dựng đề án lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng, sẽ xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ. Công ty này dự kiến sẽ có đủ nguồn lực để làm sạch khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

Câu hỏi lớn nhất lúc này và chưa có bất cứ một thông tin nào để lý giải là: Nguồn tiền 100.000 tỷ đồng sẽ do ai chi trả? Và quan trọng hơn hết, tại sao lại đề xuất một khoản tiền lớn đến như vậy để cứu các ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng đang đứng trước những khó khăn song những biện pháp hỗ trợ vẫn còn hạn chế?

Càng băn khoăn hơn khi nguồn lực quốc gia hiện nay quá eo hẹp. Dù việc thành lập công ty chỉ dùng một phần nhỏ vốn từ Nhà nước, còn lại phát hành trái phiếu và huy động từ tư nhân thì việc làm trên liệu có khả thi hay không khi thực tế nguồn ngân sách nhà nước đã phải chi rất nhiều để duy trì, điều tiết nền kinh tế cũng như phục vụ cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển quốc gia. Hơn nữa, có ai dám mua trái phiếu của một công ty xử lý nợ nếu không có sự bảo lãnh của Nhà nước.

Thực tế, để có thể tập hợp được một khối lượng lớn tiền như vậy là việc không hề đơn giản, đòi hỏi phải có những chính sách hợp lí và hiệu quả. Biện pháp giao quyền cho các công ty mua bán nợ huy động vốn, Chính phủ tung trái phiếu huy động đã được đặt ra. Nhưng tính hiệu quả của biện pháp này vẫn còn gây tranh cãi khi không đảm bảo được lượng trái phiếu bán ra.

Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề khác nảy sinh, như tính hấp dẫn khi đầu tư vào trái phiếu này sẽ như thế nào; liệu có diễn ra tình trạng "nợ chỗ này bù nợ chỗ kia" hay không bởi về cơ bản thì sử dụng trái phiếu cũng là một hình thức vay nợ; liệu Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ vào khoản tiền 100.000 tỷ này để "cứu ngược" hệ thống ngân hàng hay không?

Đã từng có lập luận cho rằng ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp với đầy đủ những đặc trưng cơ bản. Và cứu ngân hàng, thực chất cũng là cứu doanh nghiệp, thông qua đó góp phần khôi phục nền kinh tế. Bên cạnh đó, người ta cũng vin vào lý do: giữ vững hệ thống, không để đổ vỡ ngân hàng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế để thúc đẩy đề án này.

Nhưng thực tế có lẽ không đơn giản như vậy. Ngân hàng vẫn là một loại hình doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Theo lẽ đó, những gì doanh nghiệp gặp phải như: mắc nợ, lỗ vốn, thậm chí phá sản, thì ắt hẳn các ngân hàng cũng phải chạm trán với những vấn đề tương tự. Trong thời điểm hiện nay, hiện tượng các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ không phải là hiếm gặp, và các ngân hàng đôi khi cũng lâm vào cảnh khó khăn như vậy. Nguy cơ phá sản là điều hoàn toàn có thể diễn ra.

Một khi các ngân hàng đang đứng trước gánh nặng về vốn và thanh khoản thì có thể tuyên bố phá sản. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng trong việc tái cấu trúc các ngân hàng, cải tổ lại phương pháp hoạt động. Chúng ta chỉ cần có những phương án và cơ chế để bảo vệ người gửi tiền chứ không thể bằng mọi cách và mọi nguồn lực để giữ các ngân hàng yếu kém, sắp phá sản mà lỗi là do sai lầm và lòng tham của họ gây ra.

Tuy nhiên, trong một chiều ngược lại, chuyên gia từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận xét trong một hội thảo đại ý rằng, tái cấu trúc đồng nghĩa với "sự đau đớn", với sự thay đổi lớn về con người, mô hình kinh doanh. Tuy vậy, biện pháp "sốc" hiện nay không phải là lựa chọn cho Việt Nam thông qua việc cho đóng cửa hay phá sản bất kỳ ngân hàng nào. Khác với "sự hủy diệt mang tính sáng tạo" (creative destruction) mà phá sản doanh nghiệp mang lại.

Về điều này, nhà kinh tế học Joseph Schumpeter lập luận, một "sự hủy diệt" tương tự thông qua phá sản ngân hàng lại đem đến nhiều hệ quả không tiên đoán được. Chỉ cần nhìn lại cuộc khủng hoảng Mỹ năm 2008 vừa qua với nguyên nhân chủ yếu là các ngân hàng đột ngột mất tính thanh khoản trầm trọng khi các nhà đầu cơ đất đai không kịp trả những khoản nợ khổng lồ. Hệ lụy kéo theo đó là cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu vẫn kéo dài cho đến thời điểm hiện nay. Rõ ràng, một hiệu ứng dây chuyền là điều mà mọi người quan ngại. Là bộ phận cung máu cho thân thể, khi máu ứ, hoặc ngắc quản thì toàn bộ nền kinh tế sẽ có vấn đề.

Vì thế, có thể hiểu được phần nào nguyên nhân của dự kiến thành lập công ty mua nợ xấu với số vốn 100.000 tỷ đồng để cứu các ngân hàng.

Bài toán hiện nay là tiến hành như thế nào để những mục tiêu chính do Ngân hàng Nhà nước đề ra như tháo gỡ sự ngưng trệ lưu chuyển dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng.

Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Indonesia sau khủng hoảng châu Á 1997 cho thấy quá trình mua bán nợ cũng như tái cấu trúc ngân hàng phải quyết liệt, nhanh chóng. Đặc biệt, các ngân hàng phải tính đến một khoản mất mát tài sản nhất định trong và sau khi quá trình này diễn ra.

Điều quan trọng hơn sau khi phục hồi khả năng thanh khoản là cần hướng tới việc nâng cao các hoạt động và thiết chế trung chuyển vốn cho cả nền kinh tế. Mức tăng tín dụng lên quá cao trong thời gian dài vừa qua mà chủ yếu là do các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, và do những đầu tư mang tính đầu cơ vào các dự án bất động sản, chính là nguyên nhân khiến cho các ngân hàng gánh nhiều nợ xấu.

Vì thế "cứu ai và cứu vì cái gì" phải là câu hỏi thường trực từ khâu khởi động, tiến hành và thẩm định cả quá trình, để không bị lệch pha thành cứu các nhóm lợi ích đặc quyền đang kẹt chân vào thị trường chứng khoán hay bất động sản.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.