29/06/2013 7:12 PM
Mua nhà qua thứ cấp không ít khách hàng đang phải điêu đứng trước nguy cơ không nhận được nhà, thậm chí “trắng tay” khi đơn vị thứ cấp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với chủ đầu tư.

Nhiều rủi ro

Cách đây vài năm, để có thể mua được nhà trực tiếp từ phía chủ đầu tư là điều rất khó, nhiều khách hàng đã phải mua qua các công ty thứ cấp với chi phí bỏ ra khá nhiều. Dự án sắp hoàn thành nhưng người mua đang đối mặt với nguy cơ không thể nhận được nhà bởi các công ty thứ cấp này đang là con nợ của chủ đầu tư.
Mua căn hộ dự án Victoria Văn Phú (Hà Đông - Hà Nội) từ giữa năm 2010 qua một số công ty thứ cấp, đến nay rất nhiều khách hàng đang đối diện với nguy cơ không nhận được nhà mà mình đã mua.

Thời điểm mở bán cuối năm 2010, công ty CP đầu tư Văn Phú - Invest đã ký kết hợp đồng mua bán với một số công ty thứ cấp như Bất động sản Thế Kỷ; An Thịnh; Đông Thiên Phú; Landmark;...

Theo như cam kết hợp đồng, đến thời điểm chuẩn bị bàn giao nhà vào quý III/2013, các công ty thứ cấp phải nộp 90 -95% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chủ đầu tư đang bước vào giai đoạn hoàn thiện để chuẩn bị bàn giao nhà cho khách hàng nhưng việc bàn giao lại bị "tắc" do một số công ty thứ cấp vẫn còn nợ chủ đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Rủi ro khi mua nhà qua đơn vị thứ cấp.

Mới đây, Văn Phú Invest đình chỉ những hợp đồng với 2 công ty thứ cấp là CTCP Tập đoàn Đông Thiên Phú và Công ty CP Đầu tư xây dựng BĐS Landmark, do vi phạm nghiêm trọng các điều khoản thanh toán hợp đồng đã ký.

Nhiều trường hợp khách hàng đã nộp đủ 90% giá trị hợp đồng cho các công ty thứ cấp nhưng theo báo cáo của các công ty thứ cấp thì số tiền thu được của các khách hàng chỉ được 50-70%. danh sách khách hàng mà công ty chuyển cho chủ đầu tư chỉ là danh sách "dởm". Danh sách chính xác những khách hàng nhà đầu tư thứ cấp đưa cho chủ đầu tư cũng khác nhau. Hiện, những người mua này đang đối diện với thực tế sẽ không nhận được nhà.

Cách đây không lâu, khách hàng dự án Trung Văn - Từ Liêm, Hà Nội do công ty CP đầu tư và xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư thông qua nhà đầu tư thứ cấp Công ty CP Hạ Long cũng gặp tình cảnh tương tự. Công ty Hạ Long đã huy động vốn của hàng chục khách hàng mua nhà với số tiền lên đến 90% giá trị hợp đồng.

Cuối năm 2012, dự án hoàn thành, nhóm khách hàng mua qua công ty Hạ Long không được nhận nhà, mới tá hỏa đến gặp chủ đầu tư thì được biết Công ty Hạ Long mới chỉ nộp cho chủ đầu tư 70% giá trị hợp đồng. Số còn lại vẫn chưa nộp đủ vì vậy khách hàng vẫn chưa thể nhận nhà.

Nguy cơ "mất trắng"?

Việc các công ty thứ cấp sau khi thu tiền mua nhà của khách hàng nhưng không nộp đủ cho chủ đầu tư đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi: số phận của những người mua nhà sẽ ra sao nếu các công ty này không thể hoàn thành nốt nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư?.

Các nhà đầu tư thứ cấp mua số lượng lớn căn hộ theo sàn, chính vì thế khách hàng mua lại căn hộ đều phải ký với nhà đầu tư thứ cấp, không trực tiếp với chủ đầu tư. Trường hợp này, công ty thứ cấp phải có nghĩa vụ và trách nhiệm hoàn trả lại tiền theo đúng như cam kết đã ký với khách hàng. Tuy nhiên, khả năng tài chính của các nhà đầu tư thứ cấp để thực hiện đúng cam kết với khách hàng không phải là điều dễ dàng. Do đó, khách hàng có đòi được tiền từ các công ty thứ cấp hay không vẫn còn ở phía trước.

Khách hàng vẫn luôn là người chịu thiệt.

Đơn cử, tại dự án Victoria Văn Phú, thông báo của chủ đầu tư cho biết, các công ty thứ cấp này không có đủ năng lực tài chính để tiếp tục thực hiện Hợp đồng đã ký, vì vậy toàn bộ sản phẩm trong hợp đồng không còn đảm bảo giá trị pháp lý cho việc giao dịch trên thị trường. Các công ty thứ cấp này hoàn toàn chịu trách nhiệm toàn bộ với tất cả các giao dịch liên quan đến sản phẩm này với bên thứ ba, theo quy định của pháp luật.

Đại diện Văn Phú Invest cho rằng, đây là việc mà chủ đầu tư hoàn toàn không muốn bởi cuối cùng thì thiết thòi nhất vẫn là khách hàng. ác khách hàng đã mua các căn hộ đó qua công ty thứ cấp sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Để giảm thiểu rủi ro trong quá trình mua nhà, khách hàng nên lựa chọn giải pháp làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, khách hàng chuyển từ công ty phân phối thứ cấp sang ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư sau khi hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Luật sư Nguyễn Minh Đức nhận định, đây là một hình thức chiếm dụng vốn, sử dụng vốn sai mục đích gây rủi ro cho khách hàng. Đó chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc bị chủ đầu tư thanh lý hợp đồng. Khách hàng mua căn hộ qua dù có đóng đủ hay chưa đủ theo tiến độ thì đều có nguy cơ trắng tay như nhau. Trong trường hợp này, khách hàng hoàn toàn có thể nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

D.Anh (VEF)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.