04/07/2025 11:17 AM
Theo quy định mới tại Nghị định 192/2025/NĐ-CP, người mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội sẽ được hoàn lại phần chênh lệch nếu giá bán, giá thuê mua thực tế sau kiểm toán thấp hơn mức đã ký trong hợp đồng. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi người dân và siết chặt tính minh bạch trong hoạt động đầu tư, bán nhà ở xã hội.

Theo quy định mới tại Nghị định 192/2025/NĐ-CP, người mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội sẽ được hoàn lại phần chênh lệch nếu giá bán, giá thuê mua thực tế sau kiểm toán thấp hơn mức đã ký trong hợp đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 192/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 201/2025/QH15 về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ quy trình xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.

Theo quy định mới, chủ đầu tư phải xây dựng hoặc thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực để xác định giá bán, giá thuê mua căn cứ theo các nguyên tắc và phương pháp định giá được quy định tại Luật Nhà ở.

Hồ sơ xây dựng giá phải được thẩm tra, có quyết định phê duyệt và được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, UBND cấp tỉnh ít nhất 30 ngày trước thời điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Sau khi dự án được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, trong vòng 180 ngày, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán hoặc quyết toán độc lập chi phí đầu tư xây dựng và gửi hồ sơ đến Sở Xây dựng để kiểm tra, xác định lại giá bán, giá thuê mua chính thức.

Trường hợp giá quyết toán cao hơn mức giá đã ký hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm tiền của người mua, thuê mua; nếu thấp hơn, chủ đầu tư phải hoàn trả phần chênh lệch. Đặc biệt, trước khi người mua được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ đầu tư chỉ được thu tối đa 95% giá trị hợp đồng, nhằm tránh tình trạng người mua phải trả gần hết giá trị nhưng vẫn chưa nắm chắc quyền sở hữu.

Nghị định cũng yêu cầu chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, tiến độ, chất lượng công trình và việc xác định giá. Đồng thời, các tổ chức kiểm toán, tư vấn định giá phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với kết quả của mình.

Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính, kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Các bộ ngành như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao nhiệm vụ giám sát, thanh tra quá trình triển khai, kịp thời xử lý vi phạm, đảm bảo minh bạch, công bằng và ngăn chặn hành vi trục lợi chính sách.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo chất lượng công trình nhà ở xã hội từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến bảo trì, bảo dưỡng.

Nếu cơ quan chức năng phát hiện công trình có dấu hiệu không an toàn hoặc không đáp ứng điều kiện khai thác, chính quyền địa phương có trách nhiệm can thiệp, xử lý theo đúng quy định.

Với các quy định siết chặt từ định giá đến chất lượng công trình và cơ chế giám sát minh bạch, Nghị định 192/2025/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ thiết lập lại trật tự trên thị trường nhà ở xã hội, nâng cao niềm tin người dân và tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng hơn.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.