Nhiều vụ tố cáo chủ đầu tư không giao nhà đúng tiến độ xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước tràn ly khi mà mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và khách hàng lên đến đỉnh điểm.

Đem khách hàng bỏ chợ

Cuối tuần qua, một số khách hàng kéo đến Cty Thảo Loan (Q.3, TPHCM) yêu cầu chủ đầu tư bàn giao căn hộ tại dự án Thảo Loan Plaza tại huyện Bình Chánh. Đây không phải lần đầu khách hàng gây áp lực với chủ đầu tư. Trước đó là tại dự án, rồi một lần khác gặp gỡ hẳn hoi... nhưng cho tới nay họ thật sự bức xúc vì kiểu đùn đẩy trách nhiệm của phía chủ đầu tư.

Theo cam kết của Cty Thảo Loan, trong quý II/2012 sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng, như vậy đã trễ gần một năm rưỡi. Hiện tại vẫn là nhà thô, nếu tính luôn cả thời gian hoàn thiện thì trễ hẹn hơn hai năm. Nhiều khách hàng của Thảo Loan Plaza còn đến từ nhiều nơi khác như Hà Nội, Vũng Tàu, thậm chí có người là Việt kiều.

Bà Lê Thị Ánh Hồng - Việt kiều Úc - cho biết, do đọc thông tin trên báo chí thấy dự án Thảo Loan Plaza có nhà đầu tư ngoại rót vốn nên bà đã tin tưởng bỏ tiền mua căn hộ cho mỗi lần sang Việt Nam. Trị giá căn hộ bà Hồng mua là hơn 3 tỉ đồng và cho đến nay bà đã đóng tiền được hơn 2 tỉ. Thế nhưng, bà thật thất vọng với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và có phần mờ ám của chủ đầu tư.

“Đã nhiều lần tôi liên hệ làm việc với chủ đầu tư đều không được, và còn rất thiếu thiện chí. Những người có trách nhiệm trong Cty này thì đùn đẩy và đổ lỗi cho người khác cứ như muốn lừa đảo khách hàng. Thật sự đây là bài học cho những người muốn quay về đầu tư BĐS trong nước” - bà Hồng bức xúc.

Ngay cả nhà thầu của dự án này cũng bị dính chân vào “bãi lầy” này. Ông Lê Quốc Duy - TGĐ Cty địa ốc Hòa Bình - cho biết, Cty này nhận thi công dự án Thảo Loan Plaza và được trả bằng 25 căn hộ, khoảng 33 tỉ đồng và đã bán gần hết. Tuy nhiên, cho đến nay phía chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao căn hộ nào cho Cty. Không còn sức chờ đợi, nhà thầu này đã tiến hành kiện chủ đầu tư dự án ra TAND huyện Bình Chánh và tòa đã nhận đơn.

Nhập nhằng vai trò chủ đầu tư

Trao đổi với PV Lao Động, bà Vũ Thị Bích Loan - nguyên Giám đốc Cty Thảo Loan - cho biết, sau khi dự án đã xây dựng xong phần thô, do khó khăn, tháng 11.2012, bà đã bán dự án gồm toàn bộ 9 block chung cư lại cho ông Võ Quốc Ngữ, với giá 900 tỉ đồng để tái cấu trúc lại Cty, giảm lãi vay tại NH Agribank chi nhánh Sài Gòn.

Ngay sau đó, bà Loan đã làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh, sang tên Cty Thảo Loan cho ông Ngữ. Tuy nhiên, ông Ngữ không thanh toán số tiền mua dự án, không góp vốn theo quy định cũng không tiếp tục làm dự án cho đến nay. Chính vì vậy, bà Loan đã gửi đơn kiện lên TAND Q.3 nhằm ngăn chặn việc chuyển nhượng Cty Thảo Loan.

“Hiện Cty do ông Ngữ đứng tên pháp nhân, giữ con dấu, các loại giấy tờ nên tôi không thể làm gì được. Nhưng để hỗ trợ khách hàng, tôi đã lấy gần 20 căn hộ là tài sản riêng của mình để đổi cho người dân. Hiện tôi thương lượng đưa ông Ngữ 100 tỉ đồng để lấy lại Cty nhằm tiếp tục làm dự án giao cho khách hàng, nhưng ông Ngữ vẫn chưa chịu” - bà Loan cho hay.
Trong khi đó, ông Ngữ cho biết hiện ông cũng không còn quyền hạn, trách nhiệm gì tại Cty Thảo Loan bởi ông đã chuyển Cty cho ông Lê Minh Lộc. PV Lao Động đã gọi điện, nhắn tin cho ông Lộc để hỏi phương án giải quyết quyền lợi cho khách hàng, nhưng ông Lộc không trả lời. Vậy là mặc dù đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để mua nhà nhưng giờ đây các “thượng đế” của dự án này lại phải ngồi chờ kết quả của cuộc kiện tụng giữa hai vị chủ đầu tư rồi mới biết số phận mình về đâu.
Ai bảo vệ khách hàng?

Có thể thấy việc lùm xùm giữa khách hàng và chủ đầu tư xảy ra ở khá nhiều dự án và thật sự “vỡ trận” như dự án trên không còn dạng hiếm.

Ngoài các tranh chấp giữa chủ đầu tư với người góp vốn/mua căn hộ, tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà đầu tư thứ cấp..., việc tranh chấp giữa chủ đầu tư, người mua (hoặc góp vốn) với các NHTM đã có mầm mống manh nha. Thực tế hiện nay, người mua BĐS dưới dạng góp vốn hoặc mua các dự án chưa hoàn thiện (gọi là tài sản hình thành trong tương lai).

Trường hợp chủ đầu tư tập trung xây dự án và bàn giao nhà đúng hợp đồng thì không nói làm gì. Song chủ đầu tư có thể mang tài sản hình thành trong tương lai (dự án hoặc một phần dự án) đi thế chấp tại các NH để vay vốn. Nhiều chủ đầu tư đã trở thành con nợ và món vay đã trở thành nợ xấu của NH và dự án là tài sản đảm bảo của NH.

Khi đó, người góp vốn mua nhà muốn khởi kiện đòi quyền sở hữu của mình tại dự án là không thể. Do thực tế không có quy định bắt buộc về những thủ tục cần thiết phải thực hiện sau khi tài sản hình thành, lại không có phòng đăng ký giá trị quyền sử dụng đất nào của Sở Tài nguyên - Môi trường dám xác nhận đảm bảo giao dịch giữa người bán, người mua. Nên về bản chất, rủi ro hoàn toàn thuộc về người mua.

Bảo Chương (Báo Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.