18/02/2012 3:44 PM
Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, có không gian lý tưởng, dịch vụ tốt để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc là ước mơ của nhiều công chức đang làm việc tại các thành phố lớn. Song khi ước mơ trở thành hiện thực, thì nó lại trở thành "ác mộng” đối với các gia đình đang sinh sống tại các chung cư cao cấp, được xem là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Câu nói " mua dây buộc mình” thật đúng với hoàn cảnh của các hộ dân trên.
“Mua dây buộc mình”

Tòa nhà Keangnam Landmark

được coi là chung cư hiện đại nhất ở Việt Nam . Ảnh: HOÀNG LONG

Trong thời gian qua, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và các hộ dân sinh sống tại các chung cư cao cấp tại hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp xảy ra. Chỉ tính những vụ mâu thuẫn, tranh chấp nổi đình đám, trong năm 2011 đã có tới 6 vụ tranh chấp xảy ra. Điển hình nhất trong các vụ tranh chấp trên là vụ tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư tòa nhà Keangnam Landmark Tower (Phạm Hùng - Hà Nội) và người dân sống tại chung cư này. Đây là tòa nhà được coi là chung cư hiện đại và cao cấp nhất Việt Nam hiện nay. Có lẽ tự cho mình là chung cư hiện đại và cao cấp bậc nhất Việt Nam hiện nay, do đó chủ đầu tư của tòa nhà này đã tự áp một mức thu phí dịch vụ "trên trời”, không tuân theo quy định của Nhà nước và quy định về thu giá dịch vụ nhà chung cư do UBND TP Hà Nội quy định. Mức giá trần dịch vụ chung cư được UBND TP Hà Nội quy định, mức thấp nhất là 2.400 đồng mỗi m2 một tháng áp dụng cho chung cư không có thang máy. Đối với trường hợp có thang máy, mức phí dao động từ 3.100 đồng đến 4.000 đồng mỗi m2 một tháng. Tuy nhiên, cư dân sống tại Keangnam phải chịu mức giá dịch vụ tới 21.000 đồng mỗi m2.

Không chịu nổi mức thuế trên, cư dân ở Keangnam đã không đóng phí, giăng biểu ngữ, dán tờ rơi, tụ tập đông người nhằm gây sức "ép” chủ đầu tư phải xuống nước. Đỉnh điểm của mâu thuẫn được đẩy lên khi chủ đầu tư tòa nhà Keangnam đơn phương hạn chế quyền sử dụng thang máy với 370 hộ dân chưa đóng phí dịch vụ, xảy ra tháng đầu 12-2011. Chỉ đến khi công an xã, huyện, cảnh sát 113 can thiệp, chủ đầu tư mới chịu nhún, hạ mức phí dịch vụ từ 21.000 đồng/ m2 xuống còn 17.130 đồng/ m2 và cam kết không chặn thang máy của cư dân. Tuy nhiên, đến nay hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về phí dịch vụ, người dân cho rằng mức phí dịch vụ 17.130 đồng/ m2 vẫn là còn quá cao.

Mới đây nhất, ngày 6-2, hơn 90 hộ dân tòa tháp Ruby 1 thuộc chung cư Saigon Pearl phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM), đã bị chủ đầu tư toà nhà là Công ty Vietnam Land, đơn phương ngưng cung cấp nước vì nợ phí bảo trì tòa nhà năm 2011. Chỉ đến khi chính quận Bình Thạnh yêu cầu, ngày 11-2 vừa qua chủ đầu tư cấp lại nước cho các hộ dân. Nhưng chủ đầu tư vẫn đưa một "cảnh báo”, nếu các hộ dân vẫn tiếp tục không thực hiện đóng phí bảo trì, chủ đầu tư sẽ ngưng cung cấp dịch vụ, mặc dù việc tự ý ngừng cấp nước trên của tòa nhà là trái với quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 16, Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng ban hành ngày 28-5-2008, không có quy định về việc Ban Quản lý nhà chung cư được quyền tự ý cắt nước khi cư dân chậm đóng phí bảo trì tòa nhà. Cũng theo quy định thì chỉ các cơ quan cung cấp điện, nước mới có quyền cắt điện, nước của người sử dụng.


Cũng theo phản ánh thì cư dân tòa nhà Saigon Pearl, hiện cũng đang phải gánh một mức giá dịch vụ. Cụ thể, phí gửi xe ôtô khoảng 1,6 triệu đồng/xe/tháng, phí quản lý khoảng 17.800 đồng/m2/tháng.


Ngoài việc phải chịu mức thuế cao, hiện các cư dân sống tại các chung cư cao cấp còn phải chịu nhiều bất tiện khác, như ngại mời khách đến nhà chơi. Nói vậy là không quá ngoa, khách đến chơi nhà phải chịu mức phí gửi xe quá cao. Có chung cư thu đến mức giá 20.000 đồng mỗi lần/1 xe máy; xe ôtô là 60.000 đồng/xe. Thậm chí, có chung cư đưa ra quy chế chỉ vận hành thang máy đến 22h hàng ngày. Ngoài giờ đó ra, người dân muốn đi lại, xin mời... đi thang bộ.


Phát triển các dự án nhà ở chung cư ở các đô thị lớn đang là nhu cầu tất yếu. Hiện các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm điều chỉnh "mối quan hệ” trong các nhà chung cư. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này hiện chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, vẫn còn nhiều "kẽ hở” để các chủ đầu tư "lách luật” nhằm thu phí dịch vụ một cách hết sức tùy tiện, gây bất bình cho những người dân đang sống tại các chung cư, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Ví như Thông tư số 37/2009/TT-BXD ngày 1-12-2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư khá chi tiết, song do chưa quy định mức trần phí dịch vụ nhà nên chủ đầu tư đã tùy tiện áp mức thu "trên trời” đối với người dân. Thậm chí khi đã có quy định về mức phí trần dịch vụ nhà chung cư, các chủ đầu tư vẫn không tuân thủ, do không có chế tài, hoặc có chế tài xử lý nhưng không đủ mạnh khi chủ đầu tư vi phạm.


Những bất cập trên đang "đẩy” các hộ dân hiện đang sống tại các khu chung cư cao cấp vào "thảm cảnh” đi không được, ở không xong. Bởi theo nhiều hộ dân sống tại các chung cư cao cấp hiện nay, muốn bán nhà đi nơi khác nhưng chẳng ai mua. Để giải quyết triệt để, tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp tại các chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân, cần lắm một quy định cụ thể, chi tiết, với chế tài xử lý cụ thể, đủ mạnh khi xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp.
Theo Ngọc Linh (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.