Việc UBND tỉnh Quảng Nam đang rà soát, xử lý các trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần này có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Người dân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần lưu ý gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của mình?

Xác định nguồn gốc thửa đất

Giữa thời điểm có nhiều rối ren liên quan đến câu chuyện đất thổ cư có phải là đất ở, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng về đất đai, trước hết người dân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần xác định nguồn gốc hình thành thửa đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.

Người dân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần lưu ý gì? Ảnh: Lưu Bang

Đặc biệt là thời điểm hình thành thửa đất theo các mốc thời gian quan trọng như trước ngày 18/12/1980 hay từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 1/7/2004.

Bên cạnh đó, người dân sử dụng đất cũng cần tìm hiểu về các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (hồ sơ địa chính) có liên quan. Trong đó có các loại giấy tờ quan trọng như giấy tờ theo khoản 1, 2 và 3 điều 100 của Luật Đất đai năm 2013.

Đây cũng là các loại giấy tờ làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất (đối với thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu).

Đồng thời, đây còn là căn cứ pháp lý để thực hiện biến động quyền sử dụng đất, như xác định lại diện tích đất ở cho người sử dụng đất.

Tuy nhiên trong thực tiễn, việc người dân sở hữu các loại giấy tờ theo điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 là hầu như hiếm thấy và các loại giấy tờ này hiện đang được lưu trữ tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền như UBND các xã, phường và Chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện.

Theo quy định của pháp luật, người dân có quyền đến tại trụ sở các cơ quan nêu trên và yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ địa chính có liên quan đến thửa đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.

Trong hồ sơ địa chính, tùy theo từng trường hợp về thời điểm hình thành thửa đất, cơ quan chức năng sẽ cung cấp các loại hồ sơ địa chính về thửa đất có liên quan. Trong đó có các loại giấy tờ theo quy định tại điều 100 của Luật Đất đai năm 2013.

Việc nắm giữ các loại giấy tờ tại khoản 1,2 và 3 điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 sẽ giúp người dân chủ động hơn trong việc xác định lại diện tích thửa đất mà các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng, qua đó sẽ bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân.

Cần thận trọng khi mua bán đất thổ cư

Khi câu chuyện về đất thổ cư và đất ở chưa được giải quyết rốt ráo, dứt điểm, việc người dân có nhu cầu mua hoặc bán đất (những thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ ghi đất thổ cư) cũng cần thiết phải thực hiện việc xác định lại diện tích đất ở cho thửa đất. Tuyệt đối không nên mua bán đất thổ cư qua giấy tờ thỏa thuận, viết tay,… vì rất dễ xảy ra những vấn đề pháp lý có liên quan sau này.

Người dân cần thận trọng khi mua bán đất thổ cư tại Quảng Nam Ảnh: Lưu Bang

Thực tế cho thấy nhiều người dân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn đang cho rằng, đất thổ cư chính là đất ở, nên rao bán đất thổ cư với mức giá tương đương với đất ở.

Thậm chí nhiều người không am hiểu về Luật Đất đai năm 2013, nên cũng “quên mất” câu chuyện cần xác định lại diện tích đất ở theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trước khi thực hiện giao dịch mua bán đất.

Theo quy định, người sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013, thì diện tích đất ở ghi trên giấy tờ theo Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 sẽ là căn cứ quan trọng để xác định lại diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân.

Ví dụ, trường hợp một hộ gia đình đã được cấp sổ đỏ 500 m2 đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài. Trong khi đó, diện tích thực tế của thửa đất này là 1.500 m2.

Mảnh đất mà hộ gia đình này đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, có nguồn gốc sử dụng đất từ trước ngày 18.12.1980 (thời điểm kê khai, đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chỉnh phủ năm 1980). Hộ gia đình này có giấy tờ theo Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 ghi 1.500 m2 đất ở và giấy tờ này hiện đang lưu giữ tại các cơ quan chức năng có liên quan.

Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật, diện tích đất ở mà hộ gia đình này được công nhận phải là 1.500 m2 đất ở (theo điều 100 của Luật Đất đai năm 2013) mà không phải đóng tiền sử dụng đất.

Mong chờ một hướng dẫn cụ thể

Việc UBND tỉnh Quảng Nam ban hành hướng dẫn mới về việc xác định lại diện tích đất ở đối với những thửa đất mà trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi đất thổ cư là một tín hiệu đáng mừng.

Song hướng dẫn lần này của UBND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa được cụ thể hóa, nên việc giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc có liên quan là vấn đề không hề đơn giản. Vì vậy câu chuyện khiếu kiện, khiếu nại của người dân liên quan đến vấn đề này được dự báo sẽ tiếp tục phát sinh trong thời gian tới.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có Công văn số 61/TTCP-KHTH gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc thông báo kế hoạch thanh tra năm 2022 của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2022 sẽ tiến hành thanh tra tại UBND tỉnh Quảng Nam với nhiều nội dung có liên quan.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng; việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng.

Nhiều người dân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang mong chờ Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra việc xử lý đơn thư khiếu nại của họ liên quan đến câu chuyện đất thổ cư có phải là đất ở, đồng thời sẽ có hướng giải quyết dứt điểm đối với những tồn tại, vướng mắc liên quan đến vấn đề này.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.