Thời gian gần đây, nhiều mảnh đất nông nghiệp tại phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) được chào bán với mức giá cao ngất ngưởng. Do nằm trong vùng lõi quận Tây Hồ, sát cạnh nhiều khu phố Tây nên khu vực này từ lâu đã trở thành tâm điểm của nhiều nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu ở thực.
Điều đáng nói, dù là đất nông nghiệp, ở trong ngõ, nhưng những khu đất này vẫn được chào bán với mức giá khá cao, từ 40 - 60 triệu đồng/m2.
Đơn cử, khu ngõ 76 Đặng Thai Mai (Quảng An, Tây Hồ) giá đất nông nghiệp đang được chào bán mức 60 triệu đồng/m2; khu đất ngõ 275 Âu Cơ, giá đất nông nghiệp có giá 40-50 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí đường to, đường nhỏ.
Đặc biệt, có những người vì tin tưởng sẽ được chuyển đổi thành đất ở nên chấp nhận mua với giá 80 -100 triệu đồng/m2.
Người mua đất nông nghiệp nên thận trọng. (Ảnh minh họa)
Theo những người rao bán đất, hiện tại khu vực này đã được quy hoạch thành đất ở lâu dài, đồng nghĩa với việc nếu mua đất nông nghiệp, người mua sẽ có cơ hội được chuyển đổi thành đất ở sau khi nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng.
Một môi giới nhà đất tại đây cũng cho biết, khu vực này hiện được quy hoạch là đất ở nên giá bán đất nông nghiệp thường cao hơn các khu vực khác. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở chỉ là vấn đề thời gian. Khi các cơ quan chức năng làm thủ tục cho chuyển đổi, giá đất này sẽ lên tới vài trăm triệu đồng/m2.
Tương tự, khu đất nông nghiệp khác có diện tích khoảng 4.000 m2 tại ngõ 76 Đặng Thai Mai đang được rao bán tràn lan và thực tế nhiều người cũng đã mua và nuôi hy vọng sau này chuyển thành đất ở.
Liên quan đến việc các khu đất này có được chuyển đổi thành đất ở hay không, đại diện UBND phường Quảng An cho biết, khu vực đất nông nghiệp tại ngõ 275 Âu Cơ có diện tích gần 6.000 m2, vốn là đất trồng đào. Khu đất này đã được quận Tây hồ giao cho ban quản lý dự án để lập phương án đấu giá đất. Khi nào dự án được triển khai, toàn bộ khu đất này sẽ được giải tỏa. Theo phương án đến bù, người dân sẽ được nhận mức đền bù khoảng 1,2 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại khu đất nông nghiệp tại ngõ 76 Đặng Thai Mai, khu đất này khoảng 4.000m2 nằm trong khu vực đất hồ Đầm Trị. Theo quy hoạch của TP Hà Nội, toàn bộ khu đất quanh hồ Đầm Trị có diện tích khoảng 34ha sẽ được quy hoạch làm công viên, cây xanh, nhà hát... Nhiều năm nay, do dự án chậm triển khai nên nhiều người đã tự ý đổ đất, san nền, xây dựng nhà ở trái phép.
Như vậy, khi các dự án được triển khai, khu đất này sẽ bị thu hồi và đền bù theo giá đất nông nghiệp, từ 1,2 triệu đồng/m2, thấp hơn rất nhiều so với giá mà người dân đã bỏ tiền ra mua.
Theo đại diện phường Quảng An (Tây Hồ), các khu đất nông nghiệp trên địa bàn phường Quảng An đều có quy hoạch rõ ràng.
"Việc mua bán đất người dân không qua UBND phường, nên nắm bắt rất khó khăn. Theo tôi, người muốn mua đất phải đến UBND phường hoặc các phòng chức năng quận để hỏi thông tin cũng như nguồn gốc đất", vị lãnh đạo phường khuyến cáo.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, đầu tư đất nông nghiệp là kênh đầu tư mang nhiều lợi nhuận dài hạn. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp lên thành đất thổ cư thành công, người mua đứng trước cơ hội tài sản tăng giá đột biến. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của loại hình này là việc chuyển đổi lên thổ cư khá phức tạp. Muốn lên thổ cư một diện tích đất nông nghiệp không phải chuyện dễ.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn cho suất đầu tư, người mua đất nông nghiệp cần tìm hiểu trước về quy hoạch, về chứng nhận quyền sử dụng đất và chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh những trục trặc hoặc thua lỗ không đáng.
“Các nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn những khu vực có vị trí và quy hoạch tốt, pháp lý rõ ràng, không nên mua theo tâm lý đám đông. Đối với người mua đất để cất nhà ở, vấn đề lựa chọn kỹ lưỡng về vị trí, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và pháp lý nên được xem xét kỹ trước khi xuống tiền”, ông Khương khuyến cáo.
-
Bộ Chính trị yêu cầu sớm chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp
CafeLand - Bộ Chính trị yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước, rừng; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất trồng lúa. Có cơ chế, chính sách và chế tài đủ mạnh để sớm chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp,…