Ngày 21/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, mã chứng khoán APS).
Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, Chứng khoán APEC bị phạt 250 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật.
UBCKNN cho biết, từ ngày 22/9/2021 đến ngày 15/10/2021, Chứng khoán APEC đã thực hiện giao dịch mua 4,5 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) dẫn đến số lượng cổ phiếu sở hữu của Công ty và người có liên quan (ông Nguyễn Đỗ Lăng - Ủy viên Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời là Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty) tăng từ 7.997.722 cổ phiếu API lên 12.499.722 cổ phiếu API (tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 22,59% lên 35,31% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương) nhưng Công ty không đăng ký chào mua công khai với UBCKNN.
Theo đó, Chứng khoán APEC bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm, quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Chứng khoán APEC cũng bị buộc phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, quy định tại điểm d khoản 6 Điều 17 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 21/12/2022.
Apec Group là tập đoàn đa ngành với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản. Hệ sinh thái này gồm có 3 công ty trụ cột chính: Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API), Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, APS) và Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (JDJ).
Trong năm ngoái, nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái này đã có một năm thăng hoa với những mã tăng hơn chục lần.
-
Apec Group liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn
Khi thời điểm hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn, các doanh nghiệp bất động sản đang chạy đua để mua lại các lô trái phiếu trước hạn. Đây được xem như một giải pháp nhằm ổn định và củng cố lòng tin về năng lực tài chính của bên phát hành.