15/03/2012 9:56 AM
Trong khi chủ dự án không còn đủ năng lực tài chính để tiếp tục dự án bất động sản (BĐS) thì hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) dự án nếu thành công sẽ giúp dự án được tiếp tục sống là điều quá tốt. Thế nhưng, với những người đã góp vốn vào dự án đó từ trước thì lại phải mất thêm thời gian chờ hoàn thành công trình.

Lối thoát thượng sách cho nhiều chủ đầu tư!?

Thị trường BĐS Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nguồn vốn, do vậy các chủ đầu tư đang đẩy mạnh việc “săn” tìm nguồn tài chính mới cho dự án BĐS. Trong đó, hoạt động M&A được cho là thượng sách, bởi lẽ đây là một trong những phương án huy động vốn tối ưu nhất, nó mang lại lợi ích cho cả hai phía và là lối thoát cho nhiều chủ đầu tư nếu không muốn phá sản.

Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT SohoVietnam, nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với tình trạng hàng không thể bán được, nợ ngân hàng đang hối thúc, nợ của những nhà thầu... Như vậy, chắc chắn họ sẽ phải bán các dự án BĐS của mình với giá rất rẻ, thậm chí chấp nhận lỗ. Dẫn chứng điều này, ông Cần đưa ra việc Cty Địa ốc Hòa Bình (HBC) đã phải chuyển nhượng tháp Hòa Bình Tower khi lỗ tới 30 tỷ đồng. “Chấp nhận bán lỗ nhưng đổi lại họ có thể cơ cấu lại danh mục đầu tư, có được dòng tiền về để tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi là ngành xây dựng” – ông Cần cho hay.

Mua bán và sáp nhập dự án BĐS năm 2012 - Bài cuối: Dự án đổi chủ: Lợi ai, thiệt ai?
Khó khăn về nguồn vốn, nhiều dự án đang muốn đổi chủ. Ảnh minh họa.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, chính trong lúc nhiều chủ đầu tư dự án đang phải chịu áp lực hạn chót trả nợ ngân hàng lại là cơ hội cho những người có tiền mặt lúc này hay các nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang nhắm đến các dự án BĐS hạ giá của Việt Nam.

Việc mua lại dự án sẽ giúp nhà đầu tư có thêm lợi thế, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia thị trường BĐS Việt Nam. Bởi lẽ, họ có thể mua lại một phần dự án hay toàn bộ một dự án đã được phát triển với đầy đủ văn bản pháp lý về đất đai, giấy phép đầu tư và kế hoạch được phê duyệt. Điều này có thể giúp họ tránh được những bất lợi trong khâu giải phóng mặt bằng cũng như những phức tạp trong thủ tục cấp phép.

Khách hàng sẽ thiệt?

Nhận định về xu hướng chuyển đổi chủ đầu tư dự án như hiện nay, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư & Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) cho rằng, hoạt động M&A diễn ra nhiều trong hoàn cảnh hiện nay phản ánh có quá nhiều chủ đầu tư yếu kém tham gia vào thị trường BĐS. Song, theo ông Thanh nếu chuyển đổi thì sẽ rất tốt khi trong hoàn cảnh hiện nay khi nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực để theo tiếp dự án.

Đối với mỗi dự án nếu đổi chủ thành công thì thời gian mất ít nhất khoảng 2 – 3 tuần, còn nhiều là đến 6 tháng. Do vậy, ông Thanh cho rằng, trong suốt thời gian đó, cả chủ đầu tư mới và cũ gần như "dậm chân tại chỗ", không bên nào thực hiện dự án. Nếu thế, dự án sẽ bị chậm tiến độ. Và như vậy, khách hàng sẽ phải chờ đợi thêm một khoảng thời gian nữa công trình mới có thể hoàn thành và bàn giao cho khách.

Theo kinh nghiệm trong nghề, ông Phan Xuân Cần lưu ý rằng, việc mua bán dự án khá phức tạp về việc chuyển nhượng, nên cả bên bán và bên mua nên thông qua các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để đảm bảo làm đúng pháp luật.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.