16/01/2021 8:05 PM
Dù đối mặt với nhiều khó khăn từ tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid, nhưng năm 2020 là năm tiếp tục thành công trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN.

Đó là nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Ông cho biết cụ thể hơn những thành công đó?

Thành công đầu tiên trong điều hành CSTT đó là góp phần kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2020. Theo đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 chỉ tăng 0,19% so với tháng 12/2019, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020; CPI bình quân năm 2020 cũng chỉ tăng 3,23% so với năm trước, đạt mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2020 dưới 4% mà Quốc hội đề ra trong một năm với nhiều biến động khó lường.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khá tốt, hơn 12% góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 12,13%, qua đó góp phần rất quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 2,92%. Không chỉ vậy tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2020 còn tạo sức bật, đà thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế năm 2021-2022, vì hiệu ứng chính sách đầu tư lan tỏa sang những năm sau.

Chính sách lãi suất của NHNN cũng được điều hành khá linh hoạt, phù hợp diễn biến lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần hỗ trợ cho các DN duy trì hoạt động và chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng mới. Đây có thể coi là một trong những biện pháp trọng tâm của NHNN trong năm 2020, tạo điều kiện cho các NHTM mở rộng tín dụng như đã nói ở trên.

Trong khi đó chính sách tỷ giá hối đoái vẫn được duy trì theo hướng ổn định. Động thái này giúp Việt Nam cùng một lúc giải quyết 2 vấn đề: một là giảm tâm lý kỳ vọng lạm phát và đồng tiền mất giá; hai là tạo ra một lợi thế tương đối cho xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường khác. Vì vậy, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng cao về giá trị, chủ yếu là hàng nông sản.

Cũng nhờ chính sách tỷ giá chủ động linh hoạt nên năm 2020, Việt Nam đạt được dự trữ ngoại tệ cao kỷ lục, xấp xỉ 20 tuần nhập khẩu. Đây là một trong những nền tảng giúp tạo dựng lòng tin về mặt đối ngoại của đồng tiền Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thanh toán xuất nhập khẩu và trả nợ.

Tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh xuất khẩu

Nhiều dự báo cho rằng áp lực lạm phát năm nay sẽ lớn hơn nhiều so với năm trước. Theo ông, điều đó có tạo áp lực cho công tác điều hành CSTT?

Tiếp đà thuận lợi của năm 2020, kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có thể tăng trưởng ở mức khá cao. Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Với mức tăng trưởng như vậy, tôi cho rằng, chưa có khả năng tạo ra áp lực lớn đối với CSTT.

Còn về áp lực lạm phát, theo tôi, vẫn ở mức khá thấp do giá nguyên vật liệu cơ bản và dầu mỏ phục hồi rất chậm. Dự kiến giá dầu mỏ trong năm 2021 chỉ bằng năm 2019. Trong khi các dự báo gần đây nhất cho thấy kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự kiến, chủ yếu là do nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kép của đại dịch Covid-19. Nhiều nước như châu Âu, Nhật Bản đang lo tới kịch bản xấu này. Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng của Trung Quốc và một số nước mới nổi trong đó có Việt Nam.

Ở trong nước, chúng ta thấy cung tiền tệ của năm 2020 tương đối cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa có khả năng tạo ra hiệu ứng lạm phát, do cầu nội địa vẫn còn khá thấp. Nhiều khu vực kinh tế chưa có khả năng phục hồi nhanh như du lịch vận tải, vận chuyển, bán lẻ...

Theo ông, đâu là giải pháp trọng tâm trong điều hành CSTT trong năm 2021?

Theo tôi, năm 2021, điều hành CSTT cần tập trung một số vấn đề lớn. Đó là cố gắng duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ cho phục hồi kinh tế. Điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, theo hướng hỗ trợ xuất khẩu, tận dụng các lợi thế của các hiệp định thương mại tự do.

Năm 2021, cán cân thanh toán quốc tế tổng thể vẫn tiếp tục duy trì mức thặng dư khá cao, do đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tăng lên, xuất khẩu cũng có khả năng tăng mạnh hơn. Nhưng kèm theo đó nhập khẩu cũng sẽ tăng mạnh. Như vậy, cán cân tài chính có thể thặng dư, nhưng cán cân thương mại có thể giảm đi, vì kinh tế hồi phục khiến nhập khẩu tăng mạnh.

Do vậy, chúng ta cũng cần có chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt vừa ứng phó được với nhu cầu mở rộng xuất khẩu và nhập khẩu vừa ứng phó được yêu cầu nguy cơ thao túng tiền tệ của Bộ thương mại Mỹ… Trong bối cảnh đó, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán duy trì ở mức khoảng 14-15%; tăng trưởng tín dụng cũng nên được mở rộng có thể lên tới 15-16%.

Tôi cho rằng, không nên để tăng trưởng tín dụng thấp quá. Vì tín dụng tăng trong giai đoạn tới chủ yếu dựa vào tín dụng mới, hay nói cách khác dựa vào cung tiền. Nên cũng phải đẩy cung tiền lên cao hơn chút để tín dụng mới bù đắp cho khoản nợ xấu xuất hiện trong năm cũ. Động thái này vừa hỗ trợ cho DN phục hồi từ từ sau khủng hoảng tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh vừa để khắc phục khoản nợ xấu đã hình thành trong năm 2020.

Bên cạnh đó trong thời gian tới, NHNN nên xoá bỏ dần room tín dụng, mà nên chuyển sang hình thức quản lý tín dụng tích cực hơn như chỉ tiêu an toàn hệ thống, hệ số CAR, an toàn thanh khoản… Đồng thời nên tiếp tục cải cách thế chế, đặc biệt là điều hành các công cụ chính sách theo cơ chế thị trường; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các NHTM, hạn chế nợ xấu mới phát sinh...

Xin cảm ơn ông!

Hà Thành (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.