Có một luồng tiền mới được rút ra từ các nước phát triển như Mỹ và châu Âu để chảy vào các thị trường châu Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi trong thời gian tới.

Đó là luồng ý kiến nổi bật trong thời gian gần đây từ hầu hết các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Vậy cơ sở nào để củng cố cho những nhận định này, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đặc biệt là cả Mỹ và châu Âu đang trải qua những bất ổn. Và phải chăng, ở một góc độ nào đó, châu Á đang tận dụng được lợi thế sẵn có của mình trong cuộc khủng hoảng của các nước phát triển?...


Chỉ trong vòng 20 ngày của tháng 8, các chỉ số chính trên TTCK Mỹ giảm gần 7% giá trị. Hậu quả là hàng chục nghìn tỷ đôla đã bị rút ra khỏi thị trường Mỹ.

Rồi khủng hoảng nợ công tại châu Âu làn rộng làm nhà đầu tư Mỹ mất lòng tin. Hậu quả là 10 quỹ tiền tệ lớn nhất của Mỹ đã giảm tới gần 9% các khoản đầu tư vào các ngân hàng châu Âu.
Vậy luồng tiền rút ra đó sẽ chảy về đâu? Về châu Á, về các thị trường mới nổi. Đó là câu trả lời từ chuyên gia của ngân hàng Credit Agricole.
Bà Frances Cheung, Chuyên gia cao cấp của ngân hàng Credit Agricole cho rằng: “Về trung hạn chúng tôi vẫn nghĩ rằng, các nền tảng cơ bản của châu Á sẽ mạnh hơn Mỹ và châu Âu. Vì vậy, khi các thị trường phát triển đầy bất ổn, thì nhà đầu tư sẽ khó có lựa chọn nào khác ngoài việc di chuyển tiền của mình đến với châu Á, đến với các thị trường mới nổi”.
Nhưng có thể đó sẽ chỉ là luồng vốn tạm thời. Đã có những lo ngại như thế, kể cả từ giới chuyên gia trong nước, bởi họ cho rằng, nếu kinh tế Mỹ và châu Âu bất ổn, thì châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là khi mà Mỹ và châu Âu lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước châu Á.
Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế FulBright: “Các nước đang phát triển muốn xuất khẩu mà thị trường lớn có vấn đề, thì hoạt động sản xuất kinh doanh có khả năng giảm và mức độ rủi ro cao. Khi chỉ số Mỹ giảm, sẽ có một luồng vốn dịch chuyển đến các nền kinh tế mới nổi”.
Tuy nhiên, châu Á lại đang được xem là khá vững nhờ khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ hơn 6,5 nghìn tỷ đôla, chiếm tới 65% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu. Chính vì thế, ông Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế Chính trị thế giới cho rằng, xu hướng về một luồng tiền mới vào châu Á là có, song sẽ khó để khẳng định luồng vốn đó nhiều hay ít.
Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế (Viện Kinh tế chính trị Thế giới): “Chạy khỏi vào châu Á, là vùng này phát triển tốt. Nếu anh phát triển tốt, tăng trưởng tốt người ta dồn vào đây, nếu anh lạm phát thì nâng lãi suất, giống như Việt Nam, dùng tiền đó vào để hưởng chênh lệch lãi suất… Nếu tăng trưởng tốt, lãi suất chênh lệch lớn thì sẽ vào nhiều”.
Và nếu như cả 2 yếu tố tăng trưởng tốt, chênh lệch lãi suất lớn là yếu tố then chốt cho kỳ vọng về một dòng tiền mới, thì điều đó đang được chứng minh khá rõ. Đó là các quốc gia châu Á vẫn tiếp tục tăng mạnh lãi suất chống lạm phát. Mới đây nhất là Thái Lan. Xu hướng này tiếp tục làm rộng hơn khoảng cách lãi suất của châu Á và mức lãi suất gần bằng 0 của Mỹ. Một yếu tố gần như chắc chắn củng cố cho một dòng tiền mới…
Yếu tố khác, củng cố cho một luồng tiền bền vững hơn, đó là sự tăng trưởng ổn định của khu vực châu Á. Dự báo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á ADB cho rằng, kinh tế châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm nay, với mức tăng 7,7%.
Theo Trần Hà-Minh Hằng (VTV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh