Chiều 31/10, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hậu Giang đang xác minh làm rõ đơn tố cáo của đại diện 13 hộ dân thuộc ấp Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp và phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).
Nguồn tin cho biết, năm 2010, Công ty TNHH ACI (Cần Thơ) do ông Nguyễn Hoàng Luân làm Giám đốc đã có tờ trình gửi chính quyền tỉnh Hậu Giang xin phép triển khai đầu tư dự án “thành lập trang trại sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP và nuôi trồng thủy sản” với tổng vốn đầu tư trên 200 tỉ đồng, với nhu cầu sử dụng khoảng 100ha đất tại ấp Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp.
Ngày 23/6/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang có văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty TNHH ACI đầu tư dự án. Thế nhưng trước đó, ông Luân đã cho đặt văn phòng tại nhà ông Đoàn Quốc Hưng (số 14, ấp Mỹ Lợi A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp), giao cho ông Hưng làm Phó giám đốc, đồng thời chuyển tiền cho ông Hưng và hai ông Lý Văn Thà (ngụ phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy), Đặng Trường An (ngụ phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tìm đến các hộ dân để thỏa thuận mua, thuê đất thực hiện dự án.
Các bị hại tìm đến cơ quan chức năng trình bày bức xúc.
Những người này rêu rao rằng sau khi cho Công ty thuê đất, các hộ vẫn được sử dụng bình thường, không phải đóng bất cứ khoản tiền thuế nào; con em của các hộ sẽ được Công ty ưu tiên đưa vào làm công nhân với mức thu nhập cao…
Tin vào những “ưu đãi đặc biệt này”, đã có 13 hộ dân là chủ sở hữu của 18 sổ đỏ với tổng diện tích đất lên gần 160.000m2 đồng ý cho thuê, với tổng giá tiền thuê gần 540 triệu đồng. Thế nhưng phía công ty lại yêu cầu các hộ dân phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất trong đó phần nội dung thì bỏ trống. Khi được hỏi, ông Thà giải thích là “để làm cơ sở hợp thức hóa thủ tục nhằm sớm được phê duyệt triển khai dự án” (?).
Sau đó, phía công ty đã tiến hành sang tên 10 bộ hợp đồng chuyển nhượng khống của 10 hộ dân (gồm 15 sổ đỏ, tổng diện tích 104.684m2, gồm 28 thửa đất), cho 4 cá nhân đứng tên, trong đó có ông Nguyễn Hoàng Luân, Đặng Trường An, Huỳnh Ngọc Diễm (vợ An). Cho tới khi các hộ dân phát hiện mình bị mắc lừa, thì đã có nhiều mảnh đất của họ trước đó đã bị cầm cố, thế chấp cho cá nhân hoặc ngân hàng. Khi phát hiện sự thật khó ngờ này, vì sợ mất đất, đã có người phải vay tiền để chuộc lại đất của chính mình, đồng thời viết đơn gửi chính quyền địa phương.
Tại cuộc họp hòa giải ngày 12/4/2012, ông Hưng nhận trách nhiệm thu hồi sổ đỏ trả lại cho bà con. Thế nhưng hơn 1 tháng sau, việc hoàn trả sổ đỏ cho các hộ dân vẫn chưa được thực hiện. Ngày 30/5/2012, Ban Hòa giải xã cùng các hộ dân tiếp tục làm việc với ông Hưng cùng ông An. Lần này, ông Hưng cùng ông An lại hứa hẹn sẽ “khắc phục hậu quả trong vòng 15 ngày”. Hứa thế nhưng sau đó, cả hai đã nuốt lời rồi… “hô biến”.
Trong một văn bản gửi Công an Hậu Giang, Giám đốc Công ty ACI thừa nhận ông Hưng là người đại diện của Công ty trong quá trình triển khai dự án nhưng lại cho rằng chuyện ông Hưng thỏa thuận với dân cụ thể thế nào thì ông lại không biết (?).