Gọi là kinh niên bởi căn bệnh này đã có từ lâu, nhưng vẫn không có cách chữa trị hữu hiệu nên chưa khỏi, thậm chí ngày càng nặng hơn.

Một bệnh kinh niên

Một dự án xây dựng chậm tiến độ (Ảnh minh họa)


Đó là tình trạng chậm trễ về tiến độ của các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước.Có tới 99% dự án loại này bị chậm ở tất cả các giai đoạn đầu tư. Điều này đã gây lãng phí lớn về tiền bạc khiến người dân bức xúc. Nhưng đến nay, rất ít chủ đầu tư những công trình này bị xử lý.


Ở nhiều nơi, không hiếm thấy những nhà máy đã hoàn thành nhưng không vận hành do thiếu nguyên liệu; những cái chợ rất hoành tráng đã mọc lên nhưng không hoạt động do người kinh doanh không chịu vào họp; những cây cầu đã sừng sững nguy nga nhưng không có đường dẫn; trạm điện đã xây xong nhưng không có đường dây… Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này được nêu ra liên quan đến những thủ tục giấy tờ, đấu thầu, rồi quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vốn, khảo sát, thẩm định v.v…


Đã xảy ra tình trạng: Tại một địa phương, một dự án chỉ vài chục tỉ đồng mà phải có 17 con dấu và mất 2 năm chờ đợi phê duyệt mới triển khai được. Còn những dự án lớn hơn, chi tới dăm, bảy chục đến cả trăm tỉ đồng thì số con dấu phải tới 50 và để được phê duyệt, phải chờ đợi 3 – 4 năm. Như vậy ắt là dẫn đến việc giá thành bị đội lên (do trượt giá), định mức đầu tư cũng thay đổi. Đã chậm lại càng chậm hơn.


Việc buông lỏng quản lý trong xây dựng cơ sở hạ tầng cũng xảy ra. Nhiều dự án triển khai sai luật cũng không bị xử lý. Luật Xây dựng đã quy định rõ: chỉ những dự án có mặt bằng sạch mới được cấp phép triển khai, nhưng hiện nay, phần nhiều dự án chưa có mặt bằng đúng quy định vẫn được cấp phép. Không ít dự án đã khởi công hàng năm trời nhưng không tiếp tục.


Theo tinh thần Nghị quyết 11 của TW Đảng, Chính phủ sẽ kiên quyết cắt giảm những công trình không cấp thiết để dồn vốn cho những công trình quan trọng, có khả năng hoàn thành sớm. Hội nghị TW 3 vừa qua cũng đã đưa việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở các đô thị lớn là 1 trong 3 mũi đột phá trong giai đoạn tới. Và rất cần xử lý kiên quyết, dứt điểm những dự án dây dưa.


Việc bộ trưởng bộ Giao thông- Vận tải vừa qua đã “trảm” tướng vì để trì trệ, kéo dài công trình xây dựng nhà ga mới sân bay Đà Nẵng là một việc làm tích cực, xưa nay ít có. Việc làm này đã ngay lập tức đem lại hiệu quả. Dưới sự điều hành của người tổng chỉ huy mới, nhà ga đã chính thức hoạt động, vượt tiến độ 15 ngày so với yêu cầu của Bộ trưởng, chấm dứt tình trạnh trì trệ, ì ạch suốt nhiều năm.


Song song với việc xử lý những dự án “rùa bò”, cũng nên biểu dương, khen thưởng thích đáng những dự án vượt tiến độ. Công trình thủy điện Sơn La là trường hợp hiếm hoi đã về đích vượt thời hạn 2 năm. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, công trình này đã tiết kiệm được 2 tỉ USD do vượt tiến độ. Nhìn rộng ra cả nền kinh tế đất nước, với tổng mức đầu tư công chiếm tới 40% GDP như hiện nay, nếu mọi dự án, công trình đều nỗ lực để bảo đảm đúng và vượt tiến độ đề ra, cả nước sẽ tiết kiệm được hàng chục tỉ USD- một số tiền khổng lồ, sẽ giải quyết được rất nhiều việc, tháo gỡ được rất nhiều khó khăn hiện nay.

Theo PT (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.