Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ 1999 – 2011, Việt Nam có thêm 126 khu đô thị, nâng tổng số đô thị trên cả nước lên 755 khu. Trong hơn 10 năm qua, trung bình, mỗi tháng cả nước có thêm 1 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng gần 10% (từ 20,7% lên 30,5%). Trong khi đó, dân số đô thị tăng 42%, từ 18,3 triệu người lên 26 triệu người, khiến mật độ dân số đô thị tăng nhanh, kéo theo nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, văn hóa, hạ tầng giao thông,..
Hiện quỹ nhà ở toàn quốc đạt trên 900 triệu m2, tương đương 12 m2 sàn/người, chỉ đạt hơn 50% so với mục tiêu đến năm 2015, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt mức 21,5 m2 sàn/người theo Dự thảo phát triển nhà ở đến 2020.
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết: “Dự đoán, đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam sẽ đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay và có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến sống tại các thành phố”.
Điều nay cho thấy, mức độ tăng chóng mặt số
lượng đô thị mới cả nước đặc biệt tại các TP Hà Nội, TP.HCM… Nếu nhìn số
liệu đăng ký dự án, tổng mức đầu tư các dự án nhiều “khủng khiếp” đặc
biệt trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay nhiều chuyên gia dự đoán rằng,
Việt Nam sẽ không thể có đủ tiền để thực hiện một phần nhỏ số lượng dự
án đăng ký.
Đại diện doanh nghiệp bất động sản lớn tại Hà Nội cho
biết, theo báo cáo thống kê của các bộ ngành, ngân hàng tổng mức đầu tư
cho dự án bất động sản khoảng 20 tỷ USD trong đó riêng Hà Nội 5 tỷ USD
(10 ngàn tỷ đồng), tính trung bình để đầu tư 1 ha xây dựng đô thị phải
tốn gần 1 ngàn tỷ đồng. Nếu so sánh con số trên cho thấy, Hà Nội không
thể có đủ tiền để triển khai tất cả các dự án. Con số đăng ký tổng mức
đầu tư và số vốn giải ngân quá xa với và phi thực tế.
“Sở dĩ, giá đất tại Hà Nội liên tục tăng cao là do nhà nhà, người người đều thích buôn đất bởi lợi nhuận cao. Chẳng doanh nghiệp, cá nhân nào muốn tham gia sản xuất bởi vì lợi nhuận hiện tại quá thấp. Nếu tình trạng này kéo dài gây tổn hại đến xã hội, sản xuất ngưng trệ, kinh tế không phát triển.” vị này cho biết
Có lẽ cũng chính vì phi thực tế nên Hà Nội – một trong những nơi tập trung nhiều dự án khu đô thị nhất cả nước đang được bao phủ bởi đô thị hoang vu bởi doanh nghiệp xin dự án rồi để “đắp chiếu” vì không có tiền triển khai dự án. Trong đó, có cả doanh nghiệp xin xong dự án thì tìm cách bán cho đơn vị khác để kiếm lời chứ không làm bởi làm trong bối cảnh này không có lãi thậm chí còn đối mặt khoản lỗ vì không thể bán được hàng trong khi nguồn tiền ngân hàng đang bị siết…
Khảo sát các đô thị quanh Hà Nội, cho thấy chỉ có một số đô thị có tỷ lệ lấp đầy lớn như Trung Hòa Nhân Chính, khu đô thị mới Xa La, Khu đô thị mới Ciputra, khu đô thị mới Định Công, khu đô thị mới Linh Đàm… còn lại khu đô thị sát vành đai 3,5 và 4 hầu hết làm dở dang khiến đất đai hoang hóa, lãng phí.
Tại buổi hội thảo tổng kết 6 tháng đầu năm Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân chỉ rõ, quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đang rất phức tạp. Mỗi tháng cả nước xuất hiện thêm 1 đô thị mới. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng nhìn thấy việc đầu tư bất động sản lợi nhuận cao vì vậy doanh nghiệp nào cũng muốn xin đất làm đô thị, nhà ở nhưng quy hoạch chung chưa có, doanh nghiệp đổ xô đến địa phương để xin đất trong đó toàn nhắm đất ruộng để xin vì không phải đền bù nhiều. Chính quyền địa phương thì muốn tăng trưởng, muốn GDP tăng, muốn tổng sản phẩm tăng, thu ngân sách tăng...Vì vậy cứ doanh nghiệp nào xin thì cấp. Chính vì chính quyền trải chiếu cho doanh nghiệp mới dẫn đến tình trạng ngày càng có đô thị tự phát, hậu quả không thể lường trước được.
“Để có một đô thị mới hiện đại đúng mục tiêu đề ra thì quy hoạch cần được đi trước, hạ tầng đồng bộ. Muốn làm được điều này, các Sở ban ngành liên quan cần quan tâm làm tốt chức năng hoạch định, và cần có quy chế quản lý quy hoạch đây là vấn đề quan trọng nhất là Thủ tướng sắp tới phê duyệt quy hoạch chung trong đó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến quy chế quản lý quy hoạch hiện nay.”
Theo Bộ trưởng, để xảy ra hiện tượng đô thị lớn tràn lan cũng có phần trách nhiệm thuộc Bộ xây dựng. Tới đây, Bộ cũng sẽ đưa ra nhiều chính sách quản lý mới chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 02 quy định chính sách quản lý đô thị bởi sau nhiều năm thực hiện cũng có những nội hàm cần sửa đổi. Bộ dự kiến sửa đổi và trình Chính phủ thông qua để công tác quản lý đô thị tốt hơn, chất lượng đô thị cải thiện hơn. Bên cạnh đó, Luật đô thị cũng đang sửa đổi lại và trình quốc hội phê duyệt lần 1 vào năm 2012.