Ảnh minh họa
Ước tính từ các con số thống kê ngân hàng, lượng kiều hối về TP.HCM đạt khoảng 5,2 tỷ USD trong năm 2017, tăng xấp xỉ 4,5% so với năm ngoái. Trong đó lượng kiều hối đổ vào bất động sản vào khoảng 21-22%, chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Như vậy, với sự ổn định của dòng tiền này trong những năm qua vào khoảng 11-12 tỷ USD mỗi năm, thì mỗi năm bất động sản hút dòng tiền này vào khoảng 2,5 tỷ USD.
Xét đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho khách hàng, đơn cử như sự đa dạng từ các sản phẩm cũng như những ưu đãi về giá cả, chương trình chăm sóc khách hàng hợp lý từ các chủ đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh. Bên cạnh đó khung pháp lý cũng được nới rộng và điều này tạo thêm nhiều ưu thế lẫn niềm tin.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dù thị trường bất động sản phục vụ đối tượng này được cho là rất hấp dẫn do nhu cầu cao nhưng sản phẩm còn khá hạn chế. Với cộng đồng hàng triệu người Việt sinh sống tại Mỹ, Châu Âu hoặc các quốc gia châu Á lân cận, cùng những nhu cầu như an cư khi về hưu, sinh sống, làm việc hay đầu tư về Việt Nam, phân khúc này được nhận định là lớn khi thu nhập của đối tượng này tương đối cao.
Thêm vào đó, từ khi nhà nước mở rộng chính sách cho Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam, tỷ lệ Việt kiều sở hữu nhà ở trong nước ngày càng tăng cao, dù vẫn còn những hạn chế trong thủ tục cũng như những vấn đề pháp lý cần được bổ sung.
Theo khảo sát của Savills Việt Nam, những yếu tố mà khách hàng Việt kiều nói riêng và nước ngoài nói chung quan tâm đến bất động sản tại Việt Nam bao gồm: mức độ an toàn, an ninh cũng như các dịch vụ cộng thêm sau giao dịch, bên cạnh những mối quan tâm cơ bản khác như vị trí địa lý, giá thành, tiện ích, kiến trúc hoặc thiết kế.