Ngày 25/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc với ông Sandeep Arya, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam.
Thời gian vừa qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Ấn Độ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Ấn Độ hiện đã trở thành đối tác đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á.
Với tiềm năng của hai nền kinh tế dồi dào, với quy mô thương mại quốc tế lớn của Việt Nam và Ấn Độ, hai nước còn rất nhiều dư địa để tăng mạnh hơn nữa thương mại song phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tiếp Đại sứ Ấn độ tại Việt Nam
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Việt Nam hiện đang triển khai các hoạt động phát triển năng lượng theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Theo đó, đẩy nhanh phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Nghị định có phạm vi áp dụng mở rộng cho tất cả các đối tượng là nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng trên phạm vi cả nước.
Tập trung phát triển điện mặt trời và pin lưu trữ với giá thành hợp lý, gần các trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc các trung tâm phụ tải. Vì vậy, Việt Nam mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư của Ấn Độ trong lĩnh vực năng lượng tham gia.
Đại sứ Ấn Độ cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ tháng 8/2024 đã tạo xung lực mới và mở ra nhiều cơ hội hơn trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra của Chính phủ hai nước, ông Sandeep Arya đề nghị Bộ Công Thương triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Đồng thời, mong muốn Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện hơn cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng của Ấn Độ được tiếp xúc, tìm hiểu đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam.
Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 6,26 tỷ USD, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là: Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 20,82%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 17,21%); và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm 9,52%).
Thời gian tới, hai nước đang nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 20 tỷ USD.
-
Năng lượng tái tạo là xu thế không chỉ của Việt Nam mà của toàn cầu. Trong xu thế đó, Việt Nam đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nhiều dự án năng lượng tái tạo. Đến nay, tổng số các dự án điện năng lượng tái tạo đã đầu tư của Việt Nam đang chiếm khoảng 20% tổng năng lượng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 350.000 tỷ đồng.
-
Tập đoàn Trung Quốc muốn đầu tư hơn 1 tỷ USD làm dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, đại diện tập đoàn Sungrow Renewables cho biết sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu rộng hơn thị trường Việt Nam, đầu tư xây dựng thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo lên tới 1 GW, với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD.
-
“Khai tử” dự án xử lý rác thải, phát điện vốn đầu tư 45 triệu USD tại Hải Dương
UBND tỉnh Hải Dương vừa chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện với tổng mức đầu tư 45 triệu USD, có thể xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Lý do là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng....
-
Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà có phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất?
Hệ thống sản xuất điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được xác định là thiết bị công nghệ gắn vào công trình xây dựng đối với trường hợp là nhà ở của hộ gia đình; công sở, công trình được xác định là tài sản công....
-
Bước tiến pháp lý mới tại dự án điện khí 54.000 tỷ đồng của Tập đoàn T&T ở Quảng Trị
Dự án này do tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và 3 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là HANWHA - KOSPO - KOGAS làm chủ đầu tư tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị với tổng vốn gần 54.000 tỷ đồng....