Từng kiếm được hằng trăm triệu đồng sau mỗi vụ môi giới thành công nhưng anh Ngọc Quỳnh đành bấm bụng chuyển sang nghề bán trà đá vì địa ốc hết thời, khách hàng không có.

Sau 3 năm làm môi giới tự do, anh cùng một nhóm bạn thuê được địa điểm bán trà đá ở khu vực Mỹ Đình để sống qua ngày địa ốc ảm đạm. Lãi một gấp 5 lần song theo anh Hải, mức hời "chẳng thấm vào đâu so với thời địa ốc hưng thịnh". Anh Quỳnh chia sẻ, trước anh và nhóm bạn tự thuê một văn phòng môi giới trên đường Lê Văn Lương; song địa ốc ế ẩm, khách hàng không có mà vẫn phải trả tiền điện nước và thuê nhân viên nên anh đành chuyển nghề. "Trước đây, có những thương vụ môi giới thành công, kiếm được 300-400 triệu đồng là chuyện thường. Còn nay, mở trà đá lợi nhuận cũng chẳng thấm vào đâu, chủ yếu làm cho vui cũng là địa điểm để anh em bạn bè tụ tập", anh Quỳnh tâm sự.


Thị trường bất động sản ảm đạm, hàng loạt văn phòng môi giới buộc phải đóng cửa, số khác may mắn hơn hoạt động cầm chừng. Là nhân viên môi giới tự do, anh Trần Huy "kiếm bao nhiêu ăn ngần đó". Nhớ lại hồi tháng 3 năm ngoái, khi địa ốc vẫn còn đang "sống khỏe", thương vụ lớn nhất anh kiếm được lên tới 20.000 USD nhờ môi giới hợp đồng văn phòng cho một công ty của Nhật. "Hợp đồng ký một năm thì 'ăn' được một tháng tiền nhà. Chỉ cần vài vụ như thế thì có thể sống khỏe cả năm", anh Huy tâm sự.


Môi giới địa ốc VIP đi bán trà đá
Nhiều nhân viên môi giới chuyển tạm nghề chờ địa ốc hồi phục. Ảnh minh họa: Hoàng Lan.

Theo anh Huy, thông thường, mức lương của môi giới làm trong các công ty bất động sản gồm lương cứng và hoa hồng. Lương cứng cố định khoảng 3-6 triệu đồng, còn phí hoa hồng dao động 1%-1,5% giá trị hợp đồng. Sau khi đóng góp một nửa vào công ty, môi giới sẽ được hưởng nửa hoa hồng còn lại. "Tuy nhiên, nhiều trường hợp môi giới lách, hoạt động ngầm, chân trong chân ngoài không đóng về cho công ty. Giả sử mỗi căn hộ bán được 2-3 tỷ đồng, 'cò' đất bỏ túi ít nhất 20-30 triệu", anh Huy chia sẻ.


Sống lâu năm trong nghề, và bén duyên với cả vàng và đất, anh Huy từng kiếm bộn tiền nhờ hai kênh đầu tư này. Tháng 3 năm ngoái, khi địa ốc sôi động, anh vừa môi giới vừa lướt sóng cũng kiếm hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng. Còn thời điểm tháng 8, khi vàng lên cơn sốt anh lại bỏ đất đi buôn vàng. Nhưng nay cả hai kênh này đều trầm lắng, quan hệ rộng, lại sẵn có vốn, anh chuyển sang nghề môi giới ôtô.


"Tuy nhiên, thị trường ôtô từ sau Tết rơi vào cảnh ế ẩm vì thuế trước bạ, phí lưu hành, phí trông giữ xe tăng khiến thị trường ôtô ế ẩm nên cũng chẳng thấm vào đâu", anh tâm sự.


Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân ngành bất động sản, Thu Trang được nhận làm nhân viên kinh doanh của một công ty địa ốc ở khu vực Cầu Giấy. Với thâm niên hơn 3 năm trong nghề, khéo léo lại có duyên ăn nói, Trang nhanh chóng thành đạt, đổi đời từ xe Wave sang Vespa và cuối cùng tậu hẳn được ôtô. Ngoài ra, cô còn gửi tiền về quê, sửa sang nhà cửa và mua sắm đầy đủ cho bố mẹ ở quê. Trong khi cuối năm ngoái, giao dịch vẫn ở trạng thái "túc tắc" thì nay gần như ngừng hẳn. Giao dịch không có, cô đành chuyển nghề mở đại lý bán vé máy bay.


Tuy nhiên, theo Trang, được đào tạo chính quy về bất động sản nên cô không có ý đổi hẳn nghề mà chỉ chờ thời địa ốc khấm khá sẽ quay lại. "Theo đánh giá, đến đầu năm sau địa ốc sẽ hồi phục và tôi nhất định sẽ còn quay trở lại thị trường", cô thẳng thắn.


Từ hồi quý hai năm ngoái đến nay, thị trường địa ốc rơi vào cảnh ảm đạm. Hầu hết các dự án từ cao cấp đến bình dân đều giảm giá chênh. Tiêu biểu như liền kề Văn Khê thời điểm năm ngoái, mặt đường to bán tới 120 triệu đồng mỗi m2 thì nay giảm còn 80-90 triệu đồng. An Hưng cũng giảm giá chênh tới 30-40 triệu đồng mỗi m2. Vân Canh trước được hét với giá 65 triệu nay cũng giảm giá còn 54-55 triệu đồng. Dự án Minh Giang Đầm Và một thời đình đám cũng giảm 5-8 triệu đồng mỗi m2...


Anh Trần Văn Hà, một môi giới tại sàn bất động sản An Hưng chia sẻ, do địa ốc khó khăn, nhiều nhân viên môi giới buộc phải chuyển nghề. Các khu vực đình đám với nhiều văn phòng môi giới như Lê Văn Lương, Trung Hòa- Nhân, đường 70 ... có tới 70% văn phòng đóng cửa.


Cũng theo anh Hà, trước đây, làm môi giới địa ốc chỉ cần lang thang ở quán trà đá biết nhà này, nhà kia cần bán cũng hái ra tiền. Nhưng nay, thời ăn xổi không còn nữa, một môi giới phải chật vật mưu sính. Khi địa ốc ảm đạm, những người làm lâu năm có kinh nghiệm sẽ "tay trái, tay phải", vừa làm môi giới vừa kiêm nghiệm nghề phụ. Số khác mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm thì chuyển hẳn sang nghề khác như ngân hàng, hành chính hoặc văn phòng, thậm chí làm xe ôm, lái taxi, mở quán ăn vỉa hè. "Địa ốc phát triển quá nóng, nay ảm đạm cũng là thời điểm thích hợp để môi giới xem lại mình, nhằm thanh lọc thị trường tốt hơn", anh Hà thẳng thắn.

Theo VnExpress
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.