Sau gần 2 tháng "mở van tín dụng" đối với 4 nhóm đối tượng BĐS theo Công văn 8844/NHNN của Ngân hàng nhà nước, thị trường tuy chưa có dấu hiệu khởi sắc nào nhưng động thái này đã nhận được nhiều kỳ vọng từ phía người dân và chủ đầu tư.
Ai hưởng lợi?

Đối với các doanh nghiệp BĐS, việc NHNN mở van tín dụng cho các đơn vị vay vốn nhưng chỉ đối với việc xây dựng các công trình, phát triển nhà ở sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012 theo nội dung hợp đồng trong hoạt động xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu, hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê tài sản được nhận định là quá khắt khe nhưng đây là một tín hiệu tích cực của thị trường BĐS.


Có thể nó chưa giải quyết được vấn đề vốn của các doanh nghiệp song cho thấy, nhà nước đã đưa ra những chính sách hỗ trợ, phần nào giải quyết được những khó khăn cho những nhóm đối tượng có những nhu cầu cấp thiết về nhà ở, giúp “hạ nhiệt” về tâm lý đối với cả chú đầu tư lẫn người có nhu cầu mua nhà trong bối cảnh thị trường giao dịch chậm như hiện nay.


Tuy nhiên, một số chủ đầu tư BĐS khác lại tỏ thái độ thất vọng vì những quy định hầu như không đủ sức làm thị trường ấm lên và bước đầu nó mới chỉ đáp ứng cho một bộ phận hoặc một phân khúc nào đó.


Thời điểm cuối năm rất nhiều người có nhu cầu vay vốn mua nhà. Nhưng nếu theo các quy định mà ngân hàng đặt ra thì việc tiếp cận vốn là rất khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, dù tín dụng BĐS có nới lỏng thì người có nhu cầu thực sự cũng không thể vay được. Vì thu nhập từ lương của họ không cao, nên chỉ vay được số tiền rất nhỏ. Mặt khác nếu ngân hàng có đồng ý cho vay, họ cũng không đủ khả năng chi trả, thậm chí còn không trả được lãi hàng tháng với mức thu nhập từ lương.


Dễ nhận thấy việc nới lỏng này giúp ngân hàng và các tổ chức tín dụng khai thông bế tắc về mặt chính sách và dễ dàng đưa tỷ lệ cho vay phi sản xuất về 16% theo đúng chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng. Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định, ngân hàng và các tổ chức tín dụng là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ quy định này bởi nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra khá dè dặt khi cho vay bởi họ vẫn lo ngại khả năng thanh toán của các đối tượng.


Chưa biết quy định này sẽ tác động mạnh tới nhóm đối tượng nào. Nhưng đối với thị trường BĐS, quy định này giúp một số lĩnh vực BĐS được đánh giá công bằng hơn trong vai trò với sự phát triển của nền kinh tế, mang lại giá trị sản xuất và đóng góp lớn cho đời sống xã hội, chứ không hẳn chỉ là thị trường “phi sản xuất” như lâu nay chúng ta vẫn quan niệm. Quan trọng hơn, khi doanh nghiệp BĐS có cơ hội vay vốn sẽ giúp ngăn chặn được làn sóng bán tháo dự án. Điều này sẽ giúp thị trường BĐS phát triển lành mạnh hơn trong tương lai.


Sẽ còn khó khăn

Theo ông Trần Kim Chung, trưởng ban Nghiên cứu chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường BĐS trong năm 2012 sẽ diễn biến theo chiều hướng khả quan hơn nhưng tín dụng có thể sẽ vẫn tiếp tục khó khăn.


Ông Chung dẫn chứng: Thứ nhất, xu thế những chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường BĐS những năm qua cho thấy, sau 3-4 năm điều chỉnh suy giảm, thị trường đã tự tích lũy một số thế năng để có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới; Thứ hai, tình hình kinh tế xã hội năm 2012 sẽ dần ổn định, vì thế thị trường BĐS sẽ có những cơ hội phát triển mới; Và thứ ba, một nhóm chính sách mới có tác động thúc đẩy, khơi thông thị trường BĐS sẽ phát huy tác dụng.


Giới chuyên môn cũng cho rằng, nhà đầu tư BĐS đang thấp thỏm chờ đợi những chính sách khơi thông, giải cứu thị trường. Nhất là khi mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ 3 nhóm giải pháp chính, trong đó giải pháp lớn nhất là kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường để chống đầu cơ, nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường. Một số khoản mục sẽ phải giảm tỷ trọng cho vay như: Vay xây dựng khu đô thị; vay xây dựng văn phòng cho thuê; vay xây dựng để chuyển nhượng Trung tâm TM, chợ, cửa hàng; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán; vay mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường GPMB.


“Ở thời điểm này, hầu hết các nhóm đối tượng đều trông chờ vào tín dụng của ngân hàng nhưng nếu so với 1 tháng trước đây thì lãi suất cho vay địa ốc tiêu dùng tuy có giảm nhưng không đáng kể, gần như chỉ ở mức khoảng 2% và các ngân hàng đều không “rộng cửa” cho mọi đối tượng vay”, anh Dũng, nhân viên một ngân hàng khẳng định.


Anh Dũng cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, rất ít ngân hàng dám khẳng định sẽ nới lỏng tín dụng BĐS vào năm 2012. Mặt khác với lãi suất cho vay giao động từ 20 – 24%/ năm, thậm chí còn cao hơn, vì thế dù có đủ khả năng vay thì các tổ chức, cá nhân cũng hết sức dè chừng.


Theo tìm hiểu của PV, hầu hết giới ngân hàng đều có chung một nhận định về vốn tín dụng cũng như thị trường BĐS năm 2012 sẽ không có sự thay đổi, thậm chí còn ảm đạm hơn năm 2011.

Theo Thảo Nguyên (Tầm nhìn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.