23/08/2014 6:29 PM
Trong 7 tháng, tín dụng ngoại tệ tại TPHCM đã tăng đến 10,56% so với cuối 2013, trong khi tín dụng bằng tiền đồng chỉ tăng 3,06%.

Doanh nghiệp lựa chọn vay ngoại tệ vì lãi suất vay thấp. Ảnh: Uyên Viễn.

Xin được nhắc lại dư nợ ngoại tệ của cả năm 2013 trên địa bàn TPHCM là một con số âm, giảm hơn 20%

Theo Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh tín dụng ngoại tệ tăng đã hỗ trợ cho tín dụng chung. Tăng trưởng tín dụng đến hết 7 tháng lên đến 4,25%, trong khi dự báo trước đó chỉ ở mức 3,35%.

Cho vay ngoại tệ tăng mạnh trong năm nay chủ yếu là do đối tượng được vay ngoại tệ mở rộng. Cụ thể theo Thông tư 29/2013/TT-NHNN áp dụng từ 1-1-2014, có 5 đối tượng được vay ngoại tệ, thay vì 4 như trước. Đó là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên được khuyến khích phát triển kinh doanh cũng sẽ được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển thành tiền đồng để sản xuất kinh doanh, khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản, không cần có nguồn thu bằng ngoại tệ.

Với quy định này, rất nhiều doanh nghiệp đã chọn vay ngoại tệ thay cho tiền đồng, vì hiện tại lãi suất cho vay ngoại tệ dao động từ 3-6%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay tiền đồng kỳ hạn ngắn, khoảng từ 7-10%. Trong khi đó, với các cam kết của NHNN về khả năng phá giá trong năm nay vào khoảng 2%, thì những rủi ro về tỷ giá là rất thấp. (Đến nay, NHNN mới tăng tỷ giá thêm 1% từ ngày 19-6, tức 1 đô la Mỹ đổi được 21.246 đồng.)

Và cho dù đã phá giá 1%, tỷ giá cũng chưa thể hiện được vai trò hỗ trợ xuất khẩu bao nhiêu, vì trên thị trường, giá đô la Mỹ hiện đang giao dịch thấp hơn mức 21.246 đồng, chỉ khoảng 21.225 đồng/đô la, bằng với mức giá lúc NHNN chưa tuyên bố nâng tỷ giá. Điều này thuận lợi cho doanh nghiệp vay ngoại tệ vì không chịu áp lực tỷ giá biến động mạnh ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.

Theo ông Minh, hiện có đến hơn 90% doanh nghiệp là thuộc 5 nhóm ưu tiên, do đó, điều kiện này tạo cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay với giá thấp hơn. Tuy vậy, để đảm bảo sự ổn định cho cung cầu ngoại tệ, trong thời gian qua NHNN vẫn giám sát kỹ việc cho vay ngoại tệ của các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải báo cáo cụ thể về nguồn vốn bằng ngoại tệ để thực hiện cho vay, đồng thời cam kết và đảm bảo cân đối được nguồn vốn bằng ngoại tệ phù hợp với thời hạn và mức vốn cho vay.

Đồng thời, các ngân hàng cũng phải cam kết chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các khách hàng và các nội dung, thông tin cung cấp tại văn bản đề nghị NHNN cho phép.

Điều này được ông Minh lý giải là để tránh việc các ngân hàng không cân đối được nguồn ngoại tệ. Tuy vậy, một điểm cũng đáng chú ý là huy động ngoại tệ của TPHCM chỉ tăng 0,83% trong 7 tháng, nhưng cho vay tăng đến 10,56%. Điều này đã khiến cho tỷ lệ cho vay trên huy động ngoại tệ đã lên đến 88,5%, khá cao so với tỷ lệ tương tự của tiền đồng là 80%.

Theo một chuyên gia tài chính, điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với thanh khoản ngoại tệ, do đó, việc kiểm soát hoạt động cho vay ngoại tệ là cần thiết.

Vị chuyên gia này cho rằng đúng là mức tăng 10% của tín dụng ngoại tệ hiện chưa đáng ngại do dư nợ ngoại tệ chiếm khoảng 16,8% tổng dư nợ. Nhưng nếu quy mô các khoản vay bằng ngoại tệ tiếp tục tăng trong khi huy động đầu vào sụt giảm thì sẽ đến một thời điểm nào đó lại có kỳ vọng về việc điều chỉnh tỷ giá, lúc này áp lực sẽ rất lớn vì nhu cầu ngoại tệ sẽ đến từ cả doanh nghiệp lẫn các ngân hàng thương mại. Điều này đã từng xảy ra vài năm trước.

Thảo Nguyên (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.