Công nhân đang tập trung thi công các hạng mục trên công trình CT1, dự án Usilk City (ảnh chụp chiều 5-8-2013)
- PV: Vì sao chủ đầu tư và khách hàng của dự án Usilk City lại cùng thống nhất phương án “tự quản lý dòng tiền vào dự án” ở thời điểm này, thưa ông?
- Ông Nguyễn Trí Dũng: Đây là phương án tốt nhất để tạo thanh khoản bất động sản và hạn chế tối đa thiệt hại cho các bên liên quan. Nhiều dự án dở dang và đang chết dần do khách hàng không còn lòng tin. Người ta không đóng tiền để chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án dẫn tới việc tất cả khối lượng đã đầu tư bị dở dang. Tiền “chôn” trong công trình bởi sản phẩm cuối cùng của dự án là căn hộ chưa được hoàn thiện. Phương án này đảm bảo an toàn về mặt tài chính cho khách hàng, để họ yên tâm đóng tiền vào nhằm hoàn thành căn hộ đã mua. Họ sẽ kiểm soát toàn bộ dòng tiền đó, đảm bảo nó vào đúng dự án chứ không để chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích nữa.
- Dư luận đang rất quan tâm tới sự an toàn của khách hàng khi tiếp tục “bơm” tiền vào dự án?
- Câu chuyện sử dụng vốn sai mục đích đã diễn ra khắp nơi nhiều năm nay và tới nay là mất kiểm soát. Chúng tôi nhìn thẳng vào sự thật đó và công khai cho mọi người biết. Chúng tôi có dàn trải, có đầu tư quá sức của mình, dẫn tới áp lực tài chính quá lớn. Bây giờ chúng tôi làm lại và mong muốn nhận được sự nhìn nhận của khách hàng. Làm lại với điều kiện phải thiết lập được cơ chế giám sát mới. Khách hàng sẽ mở tài khoản cá nhân mang tên mình ở ngân hàng do chủ đầu tư chỉ định, tiền khách hàng nộp sẽ đổ vào một tài khoản chung do 3 vị đại diện (do khách hàng cử ra) và chủ đầu tư đứng tên. Khách hàng sẽ kiểm soát dòng tiền thông qua khối lượng công việc nghiệm thu ngoài công trường. Làm tới đâu, khách hàng sẽ cho phép thanh toán tới đó. Phải có đủ chữ ký của 4 người trên thì tiền mới được đưa vào giải ngân. Khách hàng còn nắm được giá cả của vật tư, thiết bị mua sắm cho việc hoàn thiện dự án. Chúng tôi không giấu một điều gì. Quy trình giám sát là rất chặt chẽ.
- Nhiều người vẫn sợ khi đóng thêm tiền vào thì chủ nợ của doanh nghiệp (các ngân hàng) sẽ thu luôn số tiền đó?
- Vấn đề lớn của thị trường bất động sản hiện nay là mất lòng tin. Không ai tin ai nữa và người dân không bỏ thêm tiền đầu tư nữa. Đây là vấn đề tâm lý, cộng thêm tình hình tài chính xấu, giá nhà đất xuống rất mạnh thì niềm tin càng sụt giảm ghê gớm. Phải làm gì để dần lấy lại niềm tin? Chỉ có cách thiết lập cơ chế giám sát như đã nói. Các ngân hàng đang có nợ xấu với chủ đầu tư dự án bất động sản nên ngồi lại với nhau để áp dụng cơ chế giám sát này. Ngân hàng cần khoanh các khoản nợ xấu lại, cam kết không thu nợ ngay và làm việc với khách hàng để thu hút dòng vốn mới vào nhằm chủ đầu tư tiếp tục hoàn thành dự án. Muốn thị trường tốt hơn, phải có cơ chế giám sát để đưa dòng tiền mới vào.
- Khách hàng sẽ có lợi gì khi cùng tham gia với chủ đầu tư trong mô hình này?
- Khách hàng có thể vào công trường xem tận mắt căn hộ của họ đang được hoàn thiện. Hàng trăm công nhân đang miệt mài làm việc trên công trường. Tài sản của họ đã hiện hữu rồi. Người ta chấp nhận “bơm” thêm tiền vào và sẽ nhận được sản phẩm hoàn chỉnh theo tiến độ cam kết của chủ đầu tư. Khi có sản phẩm, họ có thể ở, cho thuê hay giao dịch chuyển nhượng theo nhu cầu của mình. Còn nếu cứ để căn hộ dở dang thì chẳng làm được gì cả. Hai bên đều mắc kẹt.
- Trường hợp khách hàng kiệt quệ về tài chính và không thể đi tiếp thì tính sao, thưa ông?
- Với các trường hợp khách hàng không còn khả năng tài chính để tiếp tục theo đuổi dự án, chủ đầu tư có thể đổi căn hộ sang các tòa nhà khác, có tiến độ hoàn thành ở giai đoạn tiếp theo. Trường hợp khách hàng có nhu cầu, chủ đầu tư sẽ đứng ra bán hộ căn hộ cho họ theo giá thị trường. Số lượng căn hộ này là rất ít. Phản hồi từ đại đa số khách hàng là muốn tiếp tục đi cùng với chủ đầu tư trên con đường này. Điều quan trọng nhất ở đây là tìm được tiếng nói đồng thuận với khách hàng. Khách hàng có quyền giám sát từng ngày và thêm nữa người ta phải biết chắc là tiền đóng đó sẽ vào căn hộ của họ chứ không bị ngân hàng thu mất hay bị chủ đầu tư đem chi vào việc khác.