Một tên trúng được hai đích?
“Bất động sản và công nghiệp giải trí - Hai lĩnh vực, một đích đến” chính là chủ đề của Hội nghị và triển lãm VIREC 2012 (lần VII) do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Công ty G4B tổ chức gần đây. Không ít ý kiến từ các chuyên gia quốc tế trao đổi tại hội nghị đã nhận định sự kết hợp giữa bất động sản và du lịch thông qua mô hình công viên giải trí quốc tế đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư lẫn du khách.
Bằng chứng là những công viên khổng lồ như Disneyland (Mỹ, Hồng Kông, Thượng Hải), Universal Studios (Singapore), Tivoli Gardens (Đan Mạch)... đã hình thành một xu hướng du lịch giải trí mới trên thế giới.
Điều đáng mừng là mô hình này đã khởi đầu khá thành công tại Việt Nam với những tên tuổi như: Công viên Văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch Suối Tiên, Quần thể du lịch giải trí Vinpearl Land... Đặc biệt, năm 2011, Suối Tiên đã lọt vào danh sách 12 công viên giải trí được yêu thích nhất trên thế giới.
Từ đó, có thể thấy tiềm năng của nền công nghiệp giải trí hiện đại này của Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam sở hữu một nền tảng thuận lợi về cảnh quan thiên nhiên và nền văn hóa dân tộc dân gian vô cùng phong phú, đa dạng.
Theo báo cáo tổng hợp Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, để phát triển dự án khu vui chơi giải trí thành công, chủ đầu tư phải tạo ra những sản phẩm gắn liền với thị trường. Do đó, ông Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch cho rằng, lĩnh vực công viên giải trí hiện đại này là cơ hội “một mũi tên trúng hai đích”.
Để nắm bắt kịp thời xu hướng này, hàng loạt các dự án du lịch, giải trí lớn đã rục rịch từ Bắc đến Nam. Trong đó, phải kể đến dự án 2 tỷ USD Happy Land (Long An) có sự tham gia đầu tư của cha ông Joe Jackson (cha của cố ca sĩ Michael Jackson).
Hay một phong cách Las Vegas kiểu Việt Nam qua dự án Hồ Tràm (Vũng Tàu). Gần nhất là công viên giải trí Đông Nam (Đà Nẵng) với dự kiến đầu tư 200 triệu USD...
Chưa kịp vội mừng, tin ông Joe Jackson rút khỏi dự án khách sạn 5 sao tại Happy Land đã đặt dấu nghi ngờ về tính khả thi của những dự án đầy tham vọng này. Hay Tập đoàn Tân Tạo (ITA) sau 4 năm (2007-2011) xây dựng Phim trường quốc tế Vina Universal với vốn đầu từ 50 triệu USD đã “ngậm ngùi” tuyên bố hết vốn.
Tình trạng rút lui vì thiếu vốn đầu tư xảy ra không chỉ đơn thuần là dự án bị rơi vào tình trạng “treo” mà còn nhiều hệ lụy khác. Giống như một dự án công viên đã “qua tay” một nhà đầu tư mà vẫn dở dang thì việc tìm công ty khác lấp vào sẽ khó khăn hơn ban đầu.
Thêm vào đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân tại khu vực chờ giải tỏa. Tiêu biểu như vụ lùm xùm ở cù lao Thới Sơn (Tiền Giang).
Dưới lời hứa của ông bầu Hoàng Kiều tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 tại cù lao, một “vương quốc” Thới Sơn với khu thể thao dưới nước, làng nghề, dã ngoại, sinh thái đã được vẽ lên. Tuy nhiên, khi Thới Sơn không được duyệt để tổ chức cuộc thi hoa hậu, tất cả dự án đã đồng loạt ngừng thi công, khách du lịch tụt giảm, người dân lao đao.
“Gắp mắm” ở siêu công viên
Mặc dù vẫn đánh giá cao tiềm năng nhưng ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch VNREA đã dự báo mô hình công viên giải trí tầm quốc tế vẫn gặp khó khăn ở Việt Nam do vốn thiếu hụt. Bổ sung cho sự lận đận của phương thức kinh doanh hiện đại này, ông Phạm Trung Lương nhấn mạnh yêu cầu khắc phục những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở pháp lý thích hợp.
Rõ ràng, khó có thể hạn chế quy mô của các công viên giải trí được các nhà đầu tư đề xuất nhằm đảm bảo không bị hụt vốn. Hơn nữa, siết chặt khâu phê duyệt và tính toán mức độ khả thi của dự án cũng bị ảnh hưởng bởi sự biến động của điều kiện kinh tế trong và ngoài nước.
Vậy nên, để tìm kiếm sự thành công của những dự án trong giai đoạn này thì “liệu cơm gắp mắm” là điều các “siêu” công viên cần đảm bảo.
Ông Thibault Paquin, Chủ tịch Công ty Celebrating Life (Mỹ), đặt vấn đề đầu ra cho các khu giải trí kiểu mới này. Việt Nam cần có một chiến lược cụ thể cho các “siêu” công viên này.
Hiện có 3 hình thức đầu tư phổ biến là nhà đầu tư tự phát triển dự án (quy mô dưới 50 triệu USD), đầu tư theo mô hình công - tư (có sự phối hợp của khu vực nhà nước) và nhượng quyền. Riêng tại Việt Nam, các nhà đầu tư có thể kết hợp giữa hình thức 1 và 3, tức chủ đầu tư sẽ phát triển phần hạ tầng và thiết kế tổng thể cho dự án, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư khác cùng tham gia. |
Thứ nhất, áp dụng lý thuyết xoay đồng vốn, những dự án này có thể chia nhỏ, đưa vào sử dụng những phần đã hoàn thành song song với việc tiếp tục xây dựng. Điều này vừa đảm bảo thu được một nguồn vốn dự trữ, vừa khảo sát nhu cầu của người dân để rút kinh nghiệm cho những công trình đang thi công.
Thứ hai, công viên giải trí của Việt Nam cần xác định nét độc đáo, khác biệt, mới có thể cạnh tranh với những công viên lớn trên thế giới như Disneyland, Universal... Theo ông Gary Goddard, Chủ tịch Tập đoàn Goddard, hướng phát triển của các công viên Việt Nam là phải nhấn mạnh các giá trị lịch sử, truyền thống đặc sắc của người Việt, tạo nên một thương hiệu riêng.
Có thể nói nếu chọn đúng đường và tiến chắc chắn, mô hình công viên vui chơi, giải trí chất lượng cao hoàn toàn có thể trở thành một nhân tố đóng góp không nhỏ vào ngành du lịch của Việt NaM.