Mulberry Lane ra đời như kết quả "hôn nhân" giữa Tập đoàn CapitalLand (Singapore) và Công ty CP Đầu tư & Phát triền cơ sở hạ tầng Hoàng Thành lần lượt giữ vai trò chủ đầu tư và thi công dự án.
Quy mô dự án bao gồm 5 tòa nhà A, B, C, D, E với tổng số 1.478 căn hộ cao cấp, tổng vốn đầu tư 260 triệu USD. Bắt đầu từ cuối năm 2013, nhiều hộ dân đã chuyển về sinh sống tại một số tòa nhà. Khi đó, mức giá căn hộ chừng 100m2 vào khoảng trên dưới 40 triệu đồng/m2 – được coi là đối thủ "xứng tầm" với sản phẩm Royal City của Vingroup.
Cao cấp nhiều tỳ vết
Tuy vậy, tới đầu quý I/2015, thời điểm MuberryLane vẫn còn tỷ trọng đáng kể sản phẩm cao cấp chưa bán (điển hình là tòa C với tên gọi The Crown), kết luận thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã cho thấy nhiều vấn đề về tuân thủ pháp lý của chủ đầu tư. Với cả hai dự án (MuberryLane và Chung cư cao tầng CapitalLand Hoàng Thành), chủ đầu tư đều gặp dính "phốt".
Cụ thể trường hợp MuberryLane: bằng việc được chấp thuận điều chỉnh quy hoạch (tại các văn bản của UBND Tp Hà Nội và Sở QH&KT), chuyển các tầng kỹ thuật thành tầng căn hộ (Văn bản 1141/BXD-HDXD ngày 17/6/2009), dự án được "cộng" thêm 486 căn hộ vào cơ cấu ban đầu (992 căn). Đồng thời, 4 tòa nhà được tăng tầng (32 lên 34; 25 lên 27).
Tuy nhiên, chủ đầu tư lại chậm trễ liên hệ với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu dự án. Thậm chí, DN đã thi công và chuyển đổi chức năng một số vị trí tại tầng 1 chưa phù hợp với phương án kiến trúc được Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận.
Xuống tiền vào dự án thời điểm này là sai… sách?
Cũng theo Thanh tra Sở, mặc dù hưởng lợi nhuận lớn từ 486 căn hộ "dôi ra" nhưng chủ đầu tư lại chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính phù hợp với quy hoạch đã được điều chỉnh. Tiếp đến, huy động vốn từ năm 2009, nhưng DN đến nay vẫn chưa nộp phí xây dựng theo quy định của Tp Hà Nội.
Thanh tra Sở Xây dựng đã yêu cầu truy thu hơn 6,88 tỷ đồng tiền phí xây dựng chưa được chủ đầu tư nộp. Ngoài ra, liên quan tới công tác thực hiện dự án, Thanh tra Sở còn phát hiện rất nhiều lỗi vi phạm của các nhà thầu như nghiệm thu công việc xây dựng chưa đúng quy trình. Được biết, nhà thầu xây dựng là Công ty CP xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC).
Thất vọng với … đẳng cấp Singapore
Trước khi bị bóc tách nhiều sai phạm, MuberryLane đã từng gặp đủ lời chê trách, thậm chí bức bối thất vọng của cư dân về "đẳng cấp Singapore giữa lòng Hà Nội".
Rõ nhất, ngay trong năm 2014, tức là chỉ ít lâu sau khi dọn về từ cuối 2013, nhiều cư dân đã chán nản "toàn tập" với căn hộ trị giá nhiều tỷ đồng nơi đây. Bức xúc hơn cả, là câu chuyện ở tòa E (một trong số các tòa đắt khách nhất của MuberryLane 2 năm trước). Tòa E có 340 căn hộ nhưng chỉ được phục vụ bởi 3 thang máy. Đương nhiên, với mật độ dân cư dày như vậy, thang máy liên tục gặp sự cố treo, mất hiển thị tầng là điều được tiên đoán trước.
Anh Châu, môi giới từng khớp hai căn hộ tại đây vẫn còn nhớ: "Hoàn thành giao dịch hai căn đó thực sự là thành công với tôi. Nhưng vẫn không tránh khỏi áy náy vì… quên tư vấn cho khách hàng về số lượng thang máy ít ỏi sẽ dẫn tới tắc – hỏng thường xuyên".
Chưa hết, cư dân nơi đây còn được dịp hoảng sợ vì chủ đầu tư tự cắt hệ thống báo cháy sau khi xảy hiện tượng báo cháy giả. Trước đó, MeberryLane còn "nổi tiếng" với chủ đầu tư tự sử dụng nhân viên an ninh tòa nhà để dập lửa (thay vì gọi lực lượng chuyên ngành). Tình huống đó xảy đến sau khi chủ nhân căn hộ tự phát hiện cháy và tri hô (do hệ thống báo cháy không phát hiện sự cố hỏa hoạn?!).
Ngay khi thông tin tòa C được chào bán với nhiều khuyến mại (giá từ 25 triệu đồng/m2 chưa VAT) áp dụng cho 50 khách đầu tiên nhân dịp… 50 năm Quốc khánh Singapore, rất nhiều khách hàng rủng rỉnh hầu bao tỏ ra không hào hứng.
Với người chưa có nhà ở Thủ đô, nhân viên ngành kiểm toán tên Hưng bình phẩm: "Chỉ duy tỷ lệ thang máy đã không đáng mua ở đây. Tòa E là 110 căn/thang; tòa A xấp xỉ 120 căn/thang, tòa C gồm 10 căn/sàn, cao 35 tầng lại chỉ có 3 thang máy thì ai dùng, ai đừng? Kể cả giảm giá xuống 23 triệu đồng/m2 thì vẫn phải cân nhắc…"
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Vũ Đức phân tích: "Xuống tiền vào dự án thời điểm này hoàn toàn sai… sách. Nếu là 2 năm trước thì chắc chắn bán sang tên là có lãi lớn. Nhưng hiện với nhiều nhược điểm khi vận hành, cộng thêm tai tiếng, đầu tư vào dự án thực sự chỉ dành cho những ai không am hiểu thị trường, tâm lý khách hàng và… thừa tiền"