VIAC ra phán quyết
Tháng 4 năm 2012, Coteccons kiện chủ đầu tư dự án nói trên- Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt, ra VIAC với lý do: Minh Việt ký hợp đồng thuê Coteccons thi công các tầng hầm của công trình Tricon Towers (đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức, Hà Nội) với tổng giá trị hợp đồng là 233 tỉ đồng (chưa tính thuế giá trị gia tăng).
Thời điểm ký hợp đồng là tháng 10/2010. Coteccons thực hiện theo nội dung hợp đồng, được các bên tư vấn giám sát ký xác nhận, đồng thời ký các chứng chỉ yêu cầu thanh toán đối với chủ đầu tư. Yêu cầu thanh toán là 171 tỉ đồng, nhưng Minh Việt mới chỉ thanh toán cho Coteccons hơn 73 tỉ đồng và ba lần gửi đơn xin khất nợ.
Tính tổng các khoản cần thanh toán, kể cả lãi, Coteccons khởi kiện đòi Minh Việt thanh toán 180 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó đến nay, phía Minh Việt chưa thanh toán tiền cho Coteccons. Dự án phải ngừng thi công và hàng trăm khách hàng mua nhà (dự kiến bàn giao tháng 6/2012) đứng trước nguy cơ mất trắng nhiều tỉ đồng, vì chủ đầu tư không thực hiện đúng những gì đã cam kết, cho dù họ đã nộp đến 70% giá trị hợp đồng.
Theo thông tin của TBKTSG Online, cách đây 3 tháng, VIAC đã đưa ra quyết định cuối cùng về vụ kiện này. Theo đó, phía Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt, do vi phạm hợp đồng đã ký với Coteccons, nên phải thực hiện đúng theo hợp đồng và thanh toán đầy đủ số tiền còn thiếu cho nhà thầu.
Không chấp nhận phán quyết này, Minh Việt đã kiện ra Toà án nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu hủy quyết định của VIAC. Tòa Hà Nội đã xét xử vụ kiện hôm 7-3 và dự kiến đưa ra kết luận cuối cùng vào đầu tuần tới.
Nhiều lựa chọn cho tranh chấp
Tuy nhiên, theo luật thì tòa án chỉ xét xử xem phán quyết của VIAC có được thực hiện theo đúng quy trình và quy định của pháp luật không, chứ không xem xét đến nội dung của phán quyết.
Hiện nay, tranh chấp các hợp đồng kinh tế, thương mại được xét xử qua kênh VIAC không nhiều. Theo ước tính của luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, từ con số 20 đến 30 vụ những năm trước, nay đã tăng lên gấp đôi trong một hai năm trở lại đây (dưới 40% các tranh chấp được giải quyết tại đây là các hợp đồng liên quan đến tranh chấp xây dựng- bao gồm cả những tranh chấp trên thị trường bất động sản). “Nó không thấm vào đâu so với các vụ việc tranh chấp trên thị trường bất động sản, xây dựng diễn ra liên tục và ầm ĩ trong thời gian qua”.
Tuy nhiên việc ký các hợp đồng, trong đó có điều khoản nếu có tranh chấp sẽ được xét xử qua VIAC, hiện chưa phải là điều khoản bắt buộc, mà chỉ mang tính khuyến khích nên các bên tham gia hợp đồng nhiều khi chưa chú trọng. VIAC cũng chỉ xử các việc mà điều khoản hợp đồng có ghi rõ việc tranh chấp được xét xử tại đây.
Lý do của việc này, theo ông Huỳnh, là người dân và doanh nghiệp chưa hiểu về VIAC và chức năng của nó là kênh xét xử được pháp luật quy định, đảm bảo nhiều yếu tố nhanh, chính xác và giữ bí mật cho các bên mà không cần đến tòa án.
Lý do khác mà nhiều người mua , nhà thầu các dự án bất động sản, thay vì đưa chủ đầu tư ra VIAC hoặc tòa án, lại giăng biểu ngữ hoặc có hành động tương tự để đòi quyền lợi của mình, vẫn theo ông Huỳnh là do tâm lý sống theo thói quen, ký kết hợp đồng yếu về cơ sở pháp lý. Hoặc trường hợp khác là tâm lý bao cấp, nếu có vấn đề gì thì tìm đến kênh nhà nước (tòa án) để phân xử, trong khi có nhiều kênh xử lý tranh chấp văn minh, hiện đại đã được luật hóa từ lâu.
“Các hợp đồng mua bán quốc tế thì chọn điều khoản xử lý tranh chấp qua kênh trọng tài rất lớn. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng thích chọn kênh này ”. Ông Huỳnh nói và lưu ý rằng, không chỉ các vụ tranh chấp có giá trị hợp đồng lớn, ngay cả các hợp đồng cung cấp dịch vụ chung cư, vốn liên tục xảy ra các tranh chấp trong những năm gần đây, các bên ký kết cũng có thể chọn kênh giải quyết tranh chấp qua kênh trọng tài.