06/02/2018 10:05 AM
UBND TP HCM đã phải kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp khi các dự án đường sắt đô thị đang gặp khó khăn

UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để báo cáo các khó khăn, vướng mắc của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (metro 1) của TP và xin hỗ trợ khẩn cấp.

Nghẽn vốn

Văn bản ghi rõ: Tháng 4-2007, khi được sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã tiến hành phê duyệt tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 gần 17.400 tỉ đồng (hơn 126.500 triệu yen Nhật). Tại thời điểm này, dự án được xác định thuộc nhóm A, không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 66.

Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỉ đồng (hơn 235.500 triệu yen). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được TP chỉ ra là do tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư (đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga…); nguyên - nhiên liệu tăng giá và việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến 2009; trượt giá giữa yen Nhật - VNĐ cùng tỉ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.

Việt Nam lúc này chưa có kinh nghiệm nên TP đã đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập để thẩm tra dự án. JICA chọn 2 đơn vị của Singapore, trong đó có công ty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này. Theo JICA, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là phù hợp, đồng thời cam kết tăng vốn ODA cho dự án.

Dự án Metro số 1 đang được thi công Ảnh: Hoàng Triều

Sau khi lấy ý kiến các bộ - ngành, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8-2011 với tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỉ đồng. Thế nhưng, vào thời điểm này, dự án lại thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 49.

Vì vậy, Thủ tướng cho phép TP tiếp tục thực hiện dự án vì có phát sinh tiêu chí công trình trọng điểm. Từ khi phê duyệt điều chỉnh năm 2011, dự án đã triển khai thi công 4 gói thầu xây lắp chính và đã hoàn thành khoảng 48% khối lượng nhưng không phát sinh tăng thêm vốn đầu tư.

Theo UBND TP, từ tháng 9-2016 đến nay, việc giao vốn ODA của trung ương dành cho dự án không đáp ứng khả năng giải ngân thực tế, dẫn đến việc thanh toán cho các gói thầu phải tạm ngưng, các nhà thầu giảm tốc độ thi công và đề nghị thanh toán các khoản chi phí liên quan. Cụ thể, kế hoạch trung hạn (2016-2020) là 20.930 tỉ đồng nhưng mới giao 7.500 tỉ đồng. Kế hoạch vốn năm 2017 là 5.422 tỉ đồng nhưng mới giao 2.119 tỉ đồng.

Ngày 23-6-2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương ứng trước vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 để thực hiện dự án theo tiến độ. Sau buổi làm việc đó, UBND TP đã có nhiều văn bản kiến nghị các bộ - ngành sớm trình Chính phủ về việc ứng trước vốn. Tuy nhiên, dự án metro 1 đã không được bố trí vốn. Để giải quyết khó khăn tạm thời trong việc bố trí vốn ODA từ ngân sách trung ương, UBND TP đã tạm ứng vốn 3 lần với số tiền 2.273 tỉ đồng từ ngân sách TP để trả cho các nhà thầu.

Nếu chậm nữa sẽ xảy ra kiện tụng

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, việc hoàn tất các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 là điều kiện tiên quyết để bố trí kế hoạch vốn trung hạn và các năm tiếp theo giúp dự án hoàn thành vào cuối năm 2020 như dự kiến. Chủ tịch UBND TP cũng bày tỏ với người đứng đầu Quốc hội và Chính phủ việc dự án bị chậm trễ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản do sử dụng không hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Nhật.

"Việc chậm thanh toán cho các nhà thầu có thể dẫn đến việc giãn tiến độ thi công, thậm chí ngưng thi công trên công trường, nguy cơ xảy ra kiện tụng, tranh chấp là không thể tránh khỏi. Ngoài ra, vốn vay ODA sẽ không hiệu quả, lãng phí do vẫn phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay trong khi không giải ngân được vốn vay" - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Do đó, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thống nhất hỗ trợ Chính phủ trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tại kỳ họp sớm nhất. Trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua, TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ, ưu tiên giải ngân tạm ứng vốn cho TP để tiếp tục triển khai dự án này và bảo đảm việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2018.

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP - kiến nghị chính quyền TP cần tập trung xây dựng hạ tầng giao thông và thêm giao thông công cộng bởi hiện nay, chỉ có 10% giao thông công cộng là quá ít.

"Tình tới nay, chưa có một km đường sắt đô thị với TP hơn 10 triệu dân là quá chậm. Đừng để chậm hơn nữa! Tuyến metro 1 đang kẹt vốn, TP phải tác động để trung ương tháo gỡ nhanh chuyện này. Về phía TP cũng phải chủ động ứng vốn, không để chậm trễ hơn" - nguyên Chủ tịch HĐND TP đề nghị.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, cho rằng trên tinh thần Kết luận 21 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Quốc hội đã cho rồi, TP mạnh dạn vượt lên. Những vấn đề gì thấy cần, thấy mang tính đột phá thì dù khó cỡ nào cũng phải quyết tâm làm.

Metro 2 sẽ hoàn thành vào năm 2024

Không chỉ metro số 1 gặp khó mà tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng chung tình trạng. Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng thống nhất trình Quốc hội chấp thuận việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tuyến metro số 2.

Cùng với việc xin điều chỉnh tăng vốn, chính quyền TP cũng đề nghị lùi thời hạn hoàn thành dự án tuyến metro số 2 đến năm 2024, thay vì vào năm 2018 như kế hoạch trước đây. Việc này nhằm để bảo đảm đủ thời gian hoàn thành dự án theo yêu cầu của thực tế công việc đang triển khai. Theo TP, mốc thời gian này đã được thảo luận và thống nhất với các nhà tài trợ của dự án.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Phan Anh (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.