Với lượng vốn của 'tiểu gia Việt' khoảng 35%, khách sạn Melia hoa lệ giữa Hà Nội đang có những đồn đoán có thể bị tỷ phú Thái thâu tóm.

Bên góp tiền, bên góp đất

Khi Việt Nam bắt đầu mở cửa, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường bằng cách hợp tác với doanh nghiệp trong nước để thành lập liên doanh. Đa phần, những mối lương duyên này dựa trên cơ sở đối tác ngoại góp tiền, đối tác Việt góp vốn.

“Công thức” hợp tác này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Và một lĩnh vực không thể không kể đến chính là khách sạn cao cấp. Có thể điểm qua một số liên doanh như Hanel - Daewoo (khách sạn Daewoo), Đầu tư Thương mại và Du lịch Thắng Lợi - CHNG HODINHGS PTE.,LTD (khách sạn Fortuna) và CTAMAD - SAS Trading Ltd (khách sạn Melia Hà Nội).

Trong các liên doanh này, CTAMAD - SAS Trading Ltd (khách sạn Melia Hà Nội) nhận được nhiều sự chú ý khi ông chủ thực của nó im hơi lặng tiếng trên thị trường. Bên cạnh đó, có khá nhiều tin đồn đối tác ngoại thâu tóm đối tác nội để sở hữu Melia.

Tuy nhiên, trên thực tế, không có, hoặc ít nhất chưa vụ thâu tóm nào ở đây. Hiện tại, cả hai “cha đẻ” của Melia đều vẫn đang duy trì vị thế của mình trong liên doanh như thuở ban đầu.

CTAMAD là công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) - một doanh nghiệp không liên quan gì tới du lịch khách sạn nhưng đang sở hữu 35% cổ phần của Melia Hà Nội. Công ty cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội đang niêm yết trên OTC với mã chứng khoán HEM.

Khách sạn Melia Hà Nội ăn nên làm ra ngay từ năm đầu hoạt động

SAS Trading Ltd là công ty con của TTC Land. TTC Land là Tập đoàn lớn của Thái Lan, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. TTC Land thuộc sở hữu của người giàu thứ hai Thái Lan, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. Vị tài phiệt này từng được VTC News nhắc tới trong thương vụ thâu tóm chuỗi siêu thị FamilyMart Việt Nam.

Năm 1994, HEM liên doanh cùng với SAS để lập nên công ty SAS-CTAMAD. SAS-CTAMAD làm chủ đầu tư của khách sạn 5 sao này được xây dựng trên khu đất 44B Lý Thường Kiệt, nơi gần 20 năm trước là trụ sở của HEM.

Ban đầu, bất động sản này được đặt tên là Hanoi Central Hotel, sau được đổi thành Melia. Công trình này bao gồm một tổ hợp Khách sạn và Văn phòng cho thuê HCO Buiding được đưa vào hoạt động từ năm 1998.

Trong liên doanh, SAS nắm giữ 65% cổ phần, HEM nắm giữ 35% cổ phần. Theo hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/7/2008 được Bộ Công thương phê duyệt, vốn tại thời điểm định giá của HEM là 84,3 tỷ đồng, tương ứng 35%. Sau khi đánh giá lại, trong năm 2009, số vốn này đã tăng lên 179,6 tỷ đồng.

Khoản đầu tư vào SAS-CTAMAD của HEM được xác định trên cơ sở vốn đầu tư ban đầu tính bằng USD là 7.663.680 USD, được quy đổi theo giá tại thời điểm định giá doanh nghiệp là 16.496 đồng/USD. Cộng với các khoản vốn khác gồm quỹ dự phòng tài chính và lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/7/2008, tỷ lệ nắm giữ vốn trong hợp đồng của HEM là 35%.

Mối lương duyên tốt đẹp

Ngay từ khi đi vào hoạt động, Melia Hà Nội là một trong những khách sạn có kết quả kinh doanh rất ấn tượng. Bản thân lãnh đạo của HEM đánh giá SAS-CTAMAD là liên doanh hoạt động hiệu quả. Liên doanh, mà cụ thể là khách sạn Melia Hà Nội đã giúp HEM có được lợi nhuận khổng lồ ngay từ năm đầu tiên Melia đi vào hoạt động.

Cụ thể, trong năm 2008, lợi nhuận trước thuế của HEM là 149,6 triệu đồng, tăng 132 triệu đồng, tương ứng… 750% so với năm 2007. Điều đáng chú ý, lợi nhuận từ chuyển nhượng quyền chuyển giao vốn tại SAS-CTAMAD là 107,2 tỷ đồng, chiếm 71,7% tổng lợi nhuận trước thuế. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/ tổng tài sản tăng từ 6,97 năm 2007 lên 14,64 năm 2008.

Không chỉ phía HEM thu được lợi nhuận cao, SAS thậm chí còn thu được nhiều lợi ích hơn khi lợi nhuận của họ cao hơn nhiều vì nắm giữ tới 65% cổ phần Melia. Bên cạnh đó, hoạt động tốt đẹp của liên doanh giúp tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có cơ hội tấn công sang nhiều lĩnh vực khác tại thị trường Việt Nam.

Lãnh đạo HEM đánh giá rất cao liên doanh này khi khẳng định: “Trong năm 2008, Liên doanh tiếp tục hoạt động ổn định, lợi nhuận cao. Vị thế của phía Việt Nam trong liên doanh được khẳng định và tôn trọng. Quyền lợi hợp pháp của phía Việt Nam được đảm bảo”.

Trong năm 2009, 2010, liên doanh phải sử dụng một phần lợi nhuận để đầu tư nâng cấp khách sạn và văn phòng theo định kỳ. Trong 2 năm 2010-2011, công ty SAS-CTAMAD đều đạt trên 20 triệu USD doanh thu và 10 triệu USD lợi nhuận trước thuế, tương ứng tỷ suất lợi nhuận lên đến 50%.

SAS-CTAMAD ăn nên làm ra giúp HEM gặt hái được nhiều thành công với lợi nhuận sau thuế năm 2011 và 2012 của HEM lần lượt là 90 tỷ đồng và 84,4 tỷ đồng. Cổ tức HEM nhận từ SAS-CTAMAD năm 2011 và 2012 lần lượt là 21,8 tỷ đồng và 23 tỷ đồng.

Melia có bị thâu tóm?

Nổi tiếng với các vụ thâu tóm đình đám, tỷ phú Thái có bỏ qua Melia?

Suốt gần 10 năm bắt tay nhau, SAS Trading Ltd của tỷ phú Thái Lan tỏ ra rất tôn trọng đối tác Việt Nam. Liên doanh này chưa xảy ra sự cố nào lùm xùm như Fortuna hay Daewoo. Tuy nhiên, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi vốn là người “ưa phá bĩnh” và hay góp mặt trong những vụ thâu tóm đình đám thế giới nên không ít người tỏ ra nghi ngờ sự yên bình mà liên doanh SAS-CTAMAD đang trải qua trong suốt thời gian dài.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, một trong những chiêu mà đối tác ngoại dùng để thâu tóm doanh nghiệp chính là tìm mọi cách gia tăng chi phí để gây khó dễ cho đối tác nội. Đây là chiêu mà Lotte đã sử dụng nhằm thâu tóm Bibica. Và chiêu này đã manh nha xuất hiện trong liên doanh này dù dấu hiệu của nó chưa rõ ràng.

Hiện tại, cả hai phía HEM và SAS đều đang phải đổ thêm vốn cho liên doanh. Sau nhiều lần rót vốn, khoản đầu tư vào SAS-CTAMAD của HEM đã lên tới 352,2 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2012, tăng nhẹ so với con số 335,8 tỷ đồng thời điểm 1/1/2012.

Trong năm 2012, HEM cho SAS-CTAMAD vay ngắn hạn 18,7 tỷ đồng, không tài sản thế chấp. Điều đáng nói, lãi suất của khoản vay này chỉ là… 0%/năm. Trong khi đó, HEM cho 4 công ty con khác vay đều với lãi suất 9%/năm.

Ban lãnh đạo HEM cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế khi khẳng định: “Công ty TNHH SAS-CTAMAD hoạt động hiệu quả, tuy nhiên sau 10 năm hoạt động, công ty có kế hoạch sửa chữa và nâng cấp khách sạn với khoản chi phí lớn, do đó kế hoạch kinh doanh của liên doanh có thể bị ảnh hưởng trong năm tới”.

Hội đồng quản trị cho biết công ty đang xem xét cơ cấu lại vốn đầu tư vào SAS-CTAMAD để sử dụng vốn có hiệu quả nhất.

Bảo Linh (VTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.