Đằng sau những con số FDI “đẹp như mơ” được công bố chảy vào thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian gần đây là không ít những dự án trì trệ, thậm chí chưa được triển khai.

Nhắc đến các dự án bất động sản FDI, không thể không nhắc đến Siêu dự án trung tâm tài chính Việt Nam (VFC) tại TP.HCM. Dự án gồm 3 cao ốc với độ cao 48 tầng được sử dụng làm văn phòng làm việc, khu dịch vụ mua sắm, một cao ốc làm khách sạn quốc tế 5 sao với 48 tầng. Tuy được cấp phép từ tháng 2/2008 nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Hàng loạt dự án chết chìm

Năm 2014, chịu sức ép về tiến độ công trình từ chính quyền thành phố, Tập đoàn Bejaya (Malaysia) đệ đơn xin điều chỉnh quy mô dự án xuống còn một nửa. Giải thích cho việc đình trệ này, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam cho biết công ty gặp nhiều khó khăn trong khâu thủ tục hành chính. Tuy nhiên gần đây, các bên liên quan đã ngồi lại và thỏa thuận lại những điều khoản trong hợp đồng đấu thầu đất. Chủ đầu tư dự tính năm 2018 dự án sẽ đi vào thực thi.

Trong khoảng thời gian ấy, một dự án khác của tập đoàn Berjaya là Khu đô thị - Đại học Quốc tế hiện đại nhất nhì Việt Nam từng được dự tính xây dựng trên địa bàn huyện Hóc Môn, TP.HCM. Tuy nhiên sau 10 năm công bố, khu vực dự án chỉ là bãi đất hoang, không có dấu hiệu sẽ được xây dựng.

Tại Hà Nội, giai đoạn II dự án khu đô thị Splendora dự kiến triển khai từ giữa năm 2012, nhưng do bất đồng quan điểm của Vinaconex và Posco E&C (Hàn Quốc) nên vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Do phải chờ đợi quá lâu, ông Đỗ Trọng Quỳnh - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) lúc bấy giờ cho biết, đơn vị này sẽ xin điều chỉnh quy hoạch 1/500 để có cơ sở triển khai giai đoạn II với các hạng mục nhà chung cư, biệt thự, nhà liền kề và công viên trung tâm. Tuy nhiên mới đây, Tập đoàn Phú Long đã mua lại 50% vốn từ tập đoàn Hàn Quốc để chính thức thâu tóm dự án tầm cỡ này.

Dự án Khu đô thị - Đại học Quốc tế (VIUT) sau 10 năm vẫn chỉ là bãi cỏ hoang.

Ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Hợp tác Thịnh Vượng tiết lộ, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam thực hiện hợp tác đầu tư đều nhắm tới cao ốc và địa ốc. Khi không đủ nguồn vốn, doanh nghiệp thường viện lý do thủ tục khó khăn, bất động sản trầm lắng để xin giảm quy mô, điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian… thực chất chỉ là cái cớ để các doanh nghiệp tiếp tục được sử dụng quỹ đất lớn, ở vị trí đẹp, thậm chí đợi cơ hội bán lấy lời.

“Một điều chắc chắn là nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ chỉ tính đến lợi ích của họ. Nếu giá trị gia tăng cao, nhưng lại không phải đồng tiền được tiếp tục tham gia vào quy trình sản xuất kinh doanh ở trong nước mà đổ ra nước ngoài. Như vậy, ngành bất động sản đang tạo ra nguồn tiền không có giá trị thật, phục vụ lợi ích kinh doanh trong nước. Không những thế, một nguy cơ nữa là xu hướng đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại vào lĩnh vực bất động sản sẽ phá hỏng những quy hoạch chiến lược mà Việt Nam đã đặt ra” – ông Quỳnh bày tỏ quan điểm.

Đánh giá lại các dự án FDI

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), lũy kế đến tháng 7/2018, lĩnh vực BĐS đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, vốn đăng ký 56,3 tỉ USD với tổng số 704 dự án còn hiệu lực.

Trong số đó có thể kể đến một số dự án tầm cỡ như: “Thành phố thông minh” tại Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đầu tư; Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư...

Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài (FDI) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với tốc độ cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản trong thời gian gần đây nếu không cẩn thận sẽ làm nguồn tài nguyên quý giá này rơi chủ yếu vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Những lo lắng của ông Thắng là không thừa khi thời hạn đáo nợ của các khoản vay đầu tư cho bất động sản đã đến. Trong tình trạng thiếu vốn, chắc chắn các chủ dự án bất động sản trong nước sẽ bán tháo dự án trong quý 3, quý 4 cho những tổ chức, các Quỹ đầu tư nước ngoài vốn đang ráo riết săn lùng các mảnh đất đẹp để đầu tư.



Cũng theo ông Thắng đã đến lúc các địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận lại hiệu quả của việc thu hút FDI. Việc tính toán đến lợi ích lâu dài của đất nước, của các doanh nghiệp nội, của môi trường sống cho các thế hệ tương lai cần được đặt lên hàng đầu khi cân nhắc ưu đãi các dự án FDI.

Đồng quan điểm, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cơ quan quản lý cần đánh giá lại các dự án chậm triển khai dựa theo Luật Đất đai, không nên quá dễ dãi trong việc đồng ý cho doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch mà kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ để đấu giá tìm nhà đầu tư tiềm năng, phù hợp hơn.

“Để tránh các nhà đầu tư ngoại yếu kém, cơ quan quản lý phía Việt Nam có thể thông qua việc mở một tài khoản trung gian, yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ, đặt cọc một số vốn. Khi chủ đầu tư tiến hành dự án sẽ giao lại số vốn đó” - GS Nguyễn Mại đề xuất.

  • Đồng Nai: thu hút hơn 1,14 tỷ USD từ vốn FDI

    Đồng Nai: thu hút hơn 1,14 tỷ USD từ vốn FDI

    CafeLand - Đến thời điểm hiện nay tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai đã đạt trên 1,14 tỷ USD, đạt 114%, vượt kế hoạch cả năm 2018 (kế hoạch năm 2018 thu hút 1 tỷ USD).

Lưu Vân (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.